Khu đô thị mới Vân Canh thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Qua tìm hiểu, được biết, dự án khu đô thị rộng 68,5 ha này được khởi công xây dựng từ năm 2008 và bắt đầu bàn giao nhà từ năm 2012. Được kỳ vọng là một khu đô thị hiện đại, đẳng cấp ở ngoại thành Hà Nội, tuy nhiên đến nay Khu đô thị mới Vân Canh lại không có bóng dáng gì của những kỳ vọng trên. Thay vào đó, gắn liền với khu đô thị lại là hình ảnh của những căn nhà và biệt thự bị bỏ hoang, không có người ở, tựa như những “ngôi nhà ma” trong các bộ phim kinh dị.

Nhưng cho đến nay, hầu hết các biệt thự tại Khu đô thị mới Vân Canh đều không bóng người ở. Ảnh: VTC News

Nhiều sai phạm từ lúc xây dựng...

Được biết, từ năm 2006, Tập đoàn HUD đề nghị UBND tỉnh Hà Tây giao đất để thực hiện dự án và được chấp thuận. Theo nội dung quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được duyệt vào thời điểm đó, dự án khu đô thị mới Vân Canh có diện tích 684.210 m2 nằm trên 2 xã Vân Canh và xã Di Trạch (huyện Hoài Đức).

Ngày 23/8/2008, Hội đồng quản trị Tập đoàn HUD đã ra quyết định phê duyệt đầu tư dự án này với tổng mức đầu tư là 1.226,48 tỷ đồng.

Đến thời điểm đầu năm 2012, dự án đã xây dựng nhà ở thấp tầng và đã tiến hành bán nhà giai đoạn I và hoàn thành công tác san nền, thoát nước mưa, đường giao thông và thoát nước thải cho giai đoạn II của dự án. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm Thanh tra TP Hà Nội phát hiện ra loạt sai phạm tại dự án.

Theo đó, mặc dù sản phẩm đã được bán ra thị trường nhưng Tập đoàn HUD vẫn chưa soạn thảo điều lệ quản lý điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của dự án để trình UBND TP Hà Nội phê duyệt theo yêu cầu của Sở Xây dựng từ ngày 1/7/2008. Tập đoàn HUD cùng 4 công ty trực thuộc và 2 nhà đầu tư cấp 2 (Công ty CP Thương mại và Xây dựng Á Châu; Công ty CP Tasco) cũng để xảy ra một loạt vi phạm trong chi phí đền bù, hỗ trợ GPMB; chậm nộp tiền sử dụng đất; bán nhà sai quy định…

Cụ thể, trong thời gian từ tháng 11-12/2008, Tập đoàn HUD đã ký 6 hợp đồng với các công ty trực thuộc về ủy quyền thực hiện quyền của chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh công trình trên một số lô đất thuộc giai đoạn I dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, UBND TP Hà Nội còn chưa ra quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của dự án, Tập đoàn HUD cũng chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, chưa được bàn giao đất.

Không những vậy, trong quá trình thực hiện, Tập đoàn HUD và các công ty con đã không thực hiện đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở: cho xây dựng 2 sân tennis và nhà quản lý vào khu cây xanh, nhà liền kề xây dựng không đúng chiều cao tầng theo quy hoạch, tự ý giảm mật độ xây dựng một số lô nhà liền kề, biệt thự, lập bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công và thực tế thi công không đúng so với thiết kế cơ sở được duyệt, chậm triển khai xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trạm xử lý nước thải so với dự án được duyệt....

… cho tới lúc bán nhà

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, năm 2009, Tập đoàn HUD ký 14 hợp đồng bán 14 căn nhà liền kề (gồm 4 căn thuộc Liền kề (LK) 29 do Công ty HUD3 đầu tư; 4 căn thuộc LK34 do Công ty HUD8 đầu tư và 8 căn thuộc lô LK30 do Công ty HUD4 đầu tư) mà không thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đây là việc làm vi phạm khoản 2, Điều 22 của Luật Kinh doanh bất động sản.

Cũng theo kết luận thanh tra, theo nội dung các hợp đồng giữa các HUD và các công ty con, việc bán nhà phải thông qua trung tâm giao dịch bất động sản của bên A (HUD). Nhưng thực tế, các công ty con lại ký hợp đồng kinh doanh bán nhà thông qua các sàn giao dịch bất động sản do họ chọn. Việc làm này ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau này.

Trước những sai phạm trên, thời điểm năm 2012, Thanh tra TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng lập hồ sơ vi phạm của Tập đoàn HUD để xử lý theo quy định. Với các công trình xây dựng không đúng so với quy hoạch 1/500, Tập đoàn HUD phải có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, nếu không thực hiện, thì phải phá dỡ công trình vi phạm, trồng cây trên diện tích này theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt. Đồng thời, Thanh tra TP yêu cầu Tập đoàn HUD nộp 2.442.059.000 đồng về tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP tại Kho bạc TP, tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm với những tồn tại trong việc thực hiện Dự án khu đô thị mới Vân Canh.

Theo thông tin trên báo chí, đến ngày 31/7/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt Quyết định số 5092/QĐ-UBND về việc Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Vân Canh, tỷ lệ 1/500, tại xã Vân Canh và xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) và phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) Hà Nội.

Và kéo dài tới hiện tại

Theo giới thiệu, khu đô thị Vân Canh có đầy đủ các hạng mục bao gồm khu biệt thự, nhà liền kề, tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và các căn hộ chung cư được thiết kế một cách hài hòa với không gian kiến trúc hiện đại… Tuy nhiên đến nay, dù đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng Khu đô thị mới Vân Canh vẫn là một khu đô thị hoang tàn, nhiều dãy nhà bị bỏ hoang, xuống cấp. Với những căn nhà đã có dân dọn về ở, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra một cách phổ biến và trở thành một vấn đề “nhức nhối”.


Các công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: VTC News

Cụ thể, rất nhiều căn hộ liền kề, biệt thự tại đây được cơi nới, sửa chữa theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không theo thiết kế quy hoạch chung. Nhiều căn nhà có chiều cao vượt trội do chủ nhà tự ý chồng thêm tầng, thiết kế khác hẳn so với các căn cùng dãy, cùng khu khiến kiến trúc của cả khu đô thị trở nên lộn xộn, nhếch nhác. Không những vậy, vật liệu xây dựng phục vụ quá trình sửa chữa các ngôi nhà này còn được đặt bừa bộn, vương vãi trên vỉa hè, làm mất mỹ quan đô thị.

Nhiều nhà liền kề, biệt thự đua nhau cơi nới, sửa chữa. Ảnh: Tạp chí mặt trận 

Không chỉ tồn tại các công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, tại Khu đô thị mới Vân Canh còn xuất hiện khu nhà xưởng “mọc” không phép được xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để.

Báo chí phản ánh, khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần Dotexco có diện tích hơn 7.000 m2 được dựng không phép tại khu đất CC3 và CC3’. Ngày 8/11/2019, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 5716/QĐ-CC đối với Công ty Cổ phần Dotexco. Tuy nhiên đến nay, nhà xưởng này mới chỉ được tháo dỡ khoảng 6.000 m2. Sự chậm trễ này khiến những cư dân đã dọn đến khu đô thị vô cùng bức xúc.

Khu nhà xưởng khung sắt, lợp tôn rộng 7.000 m2 được lắp đặt trái phép tại Khu đô thị mới Vân Canh

Vì sao những vi phạm trật tự xây dựng tại các khu nhà liền kề, biệt thự vẫn ngang nhiên diễn ra. Vì sao khu nhà xưởng được xây dựng không phép vẫn tồn tại “sừng sững”? Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương ở đâu trước những vi phạm này?