Vĩnh Long: Chủ tịch UBND tỉnh cho phép 02 Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên hoạt động

Trước yêu cầu thực tế ở địa phương, xét đề nghị và Tờ trình của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định chấp thuận và cho phép 02 Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động ở tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là 02 Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên hoạt động ở địa bàn tỉnh này.

02 quyết định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lữ Quang Ngời ký cho phép 02 Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động tại tỉnh Vĩnh Long

Theo đó, vào ngày 30/10/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã công bố 02 quyết định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lữ Quang Ngời ký ban hành về việc chấp thuận và cho phép 02 Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động tại tỉnh Vĩnh Long… Đó là: Văn phòng Thừa phát lại Nguyễn Quốc Toàn, trụ sở đặt tại số 151/1, Nguyễn Văn Thảnh, khóm 2, phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long… Thứ hai là Văn phòng Thừa phát lại Huy Hoàng, có trụ sở đặt tại số 909, ấp 8, xã Tân Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long…

Thừa phát lại lập Vi bằng để làm chứng cứ theo yêu cầu của đương sự.

Được biết, cả 02 Văn phòng Thừa phát lại Nguyễn Quốc Toàn và Văn phòng Thừa phát lại Huy Hoàng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, có con dấu, mã số thuế,… tuân thủ theo quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Theo đó, thừa phát lại được thực hiện các công việc sau: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự; Lập Vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự… Cũng cần lưu ý thêm, Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Ông Lê Minh Chưởng bày tỏ niềm vui khi biết Vĩnh Long có 02 Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động

Ông Lê Minh Chưởng- chuyên viên Phòng Tư Pháp huyện Bình Tân- tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Thừa phát lại được hiểu là người được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy, lập vi bằng,…. Văn phòng thừa phát lại là một tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Theo tôi biết thì hoạt động của thừa phát lại là hoạt động trong thi hành án dân sự được thí điểm tại TP.HCM từ năm 2009… Nay đã có Văn phòng Thừa phát lại hoạt động ở địa phương, giúp người dân chủ động bảo vệ quyền lợi của mình…”.

Để trở thành thừa phát lại, cá nhân phải đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như sau: Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; Không có tiền án; Có bằng cử nhân luật; Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phấn, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên và Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức… Bên cạnh đó, Thừa phát lại không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.

Link nội dung: https://congdanphapluat.vn/vinh-long-chu-tich-ubnd-tinh-cho-phep-02-van-phong-thua-phat-lai-dau-tien-hoat-dong-a4593.html