
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo cũng như các văn bản dưới luật (cụ thể như: Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh là cơ sở pháp lý áp dụng trong công tác phân loại, xử lý đơn) đều có quy định rất rõ, người dân gửi đơn không đúng nội dung thì cơ quan tiếp nhận có quyền trả lại đơn (bằng văn bản) nhưng phải hướng dẫn người dân viết lại đơn theo đúng quy định và giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng của người dân… Điều đó cho thấy, quan điểm giải quyết nội dung khiếu nại, tố cáo cho người dân được các cấp lãnh đạo chú trọng, quan tâm.
Theo quy định của Luật khiếu nại thì đơn khiếu nại ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên… Đơn khiếu nại sẽ không được thu lý và giải quyết trong trường hợp: người khiếu nại khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; người ký đơn khiếu nại không có năng lực hành vi đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết; việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng; việc khiếu nại đã được toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của toà án.



Đối với đơn tố cáo theo Luật tố cáo thì: Đơn tố cáo ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo và phải có chữ ký của người tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ ký của người tố cáo. Người viết đơn tố cáo có: quyền yêu cầu được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu được bảo vệ khi bị đe doa, trù dập, trả thù…



Đối với nội dung đơn kiến nghị thì theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định: Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính Nhà nước và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân… Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính Nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác…
Từ các quy định cụ thể được nêu trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản thi hành dưới luật, đơn thư công dân gửi đến được phân loại: Đơn khiếu nại, Đơn tố cáo, Đơn kiến nghị, Đơn phản ảnh,… và phải được cơ quan có chức năng xem xét, giải quyết, ban hành Quyết định giải quyết cho công dân theo quy định, với thời gian được quy định cụ thể trong Luật và các văn bản dưới luật. Vì thế, việc một số ít cơ quan chuyên môn cho rằng: đơn của người dân gửi đến có tiêu đề “Đơn tố cáo” nhưng nội dung lại vừa có kiến nghị, tố cáo,… nên không xử lý được (?) là không phù hợp với các quy định của pháp luật.