Trong một vụ án dân sự, người đại diện theo ủy quyền của đương sự tham gia tố tụng là nhân danh và thay mặt người được đại diện (đương sự) bảo vệ quyền và lợi ích của chính người được đại diện, là thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự trong phạm vi ủy quyền.

Theo đó, khi tham gia tố tụng dân sự, người đại diện theo ủy quyền sẽ sử dụng tất cả các quyền của đương sự để bảo vệ lợi ích của đương sự, cũng như sẽ thay mặt đương sự thực hiện nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự (Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 70- 73- 75- 85- 86- 88 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Có thể vì do nhận thức, kiến thức, sự am hiểu về pháp luật,… nên đương sự hoặc người đại diện theo ủy quyền sẽ đề cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình (thông thường là luật sư).

de-nham-lan-1-1690268981.jpg
Tác giả (bên phải) và người đại diện theo ủy quyền tham gia một vụ án hành chính ở cấp phúc thẩm TAND Cấp cao TP.HCM.

Còn với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự tham gia tố tụng song song cùng với đương sự. Khi tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có vị trí pháp lý độc lập với đương sự, không bị ràng buộc bởi việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự như người đại diện. Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chủ yếu bằng việc hỗ trợ, giúp đỡ đương sự về nhận thức pháp luật và bằng việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình (Điều 75- 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

de-nham-lan-2-1690268981.jpg
 

Mặt khác, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được “Nghiên cứu hồ sơ vụ án” (Điều 64 Khoản 2 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Đối với đương sự,  Bộ Luật Tố tụng dân sự hiện nay không nói rõ quyền nghiên cứu hồ sơ mặc dù là đương sự có quyền được biết, ghi chép và sao chụp các chứng cứ có trong hồ sơ (Điểm d Khoản 2 Điều 58).

Và theo quy định của Điều 222 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được xếp hàng thứ tự đầu tiên về quyền trực tiếp đặt câu hỏi với những người tham gia tố tụng khác là: “….việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự và những người tham gia tố tụng khác…”.

Qua những nội dung nêu trên, đã thấy sự khác biệt giữa người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền- lợi ích hợp pháp của đương sự nhưng cả hai, người đại diện và người bảo vệ quyền-lợi ích hợp pháp của đương sự, khi tham gia tố tụng đều chung một mục đích là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự.