Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định hành vi giả mạo chữ ký mà người giả mạo chữ ký có thể bị xử lý bằng các biện pháp xử phạt hành chính: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính,…
Luật sư Lê Quốc Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Bên cạnh việc xử lý vi phạm về hành vi giả mạo chữ ký theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, người thực hiện hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý hình sự theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…”.
Mặt khác, nhiều văn bản dưới luật cũng quy định xử lý về hành vi giả mạo chữ ký trong các trường hợp cụ thể như sau: Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ nêu rõ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi “giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng”… Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP 2013 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm… Điều 45 Nghị định 110/2013/NĐ-CP 2013 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối hành vi giả chữ ký của người có quyền yêu cầu đăng ký trong đơn yêu cầu đăng ký hoặc văn bản thông báo,…
Như thế đã rõ, hành vi giả mạo chữ ký tùy theo tính chất, mức độ mà cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt hành chính hoặc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đã được quy định cụ thể trong luật hình sự và các Nghị định, Thông tư dưới luật.