Vừa qua, dư luận xôn xao việc thông tin cá nhân của hành khách hãng hàng không Vietjet Air bị lộ và bán cho bên thứ ba khiến nhiều người hoang mang. Vậy những thông tin này bị lộ, lọt ra ngoài bằng hình thức nào? Bên thứ ba có thể mua được thông tin cá nhân cảu hành khách đi máy bay hay không? 

Và thực tế là việc mua bán thông tin cá nhân của hành khách hãng hàng không Vietjet Air dường như khá "đơn giản, nhanh gọn".

Chỉ cần bỏ ra số tiền 500 nghìn đồng/ngày, người mua sẽ được cung cấp danh sách ghi đầy đủ thông tin mã chuyến bay, giờ cất - hạ cánh, số điện thoại của hàng nghìn hành khách của Hãng hàng không VietJet khởi hành và hạ cánh ở sân bay Nội Bài thông qua một người tên Đức (người tự giới thiệu là lái xe dịch vụ đưa đón sân bay Nội Bài từ năm 2017. Đến thời điểm hiện tại, Đức có 4 xe ô tô, phải thuê người lái, còn bản thân ở nhà điều hành lịch xe đưa đón khách).

Sau khi "xuống tiền", Đức sẽ nhắn tin cho người mua qua Zalo bản Excel danh sách thông tin (đầy đủ số điện thoại, mã chuyến bay và giờ đón - tiễn) của hơn 2.000 hành khách đi trên các chuyến bay của Hãng hàng không VietJet cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài trong một ngày nhất định. 

Thông tin hành khách đi trên các chuyến bay của Hãng hàng không VietJet cất - hạ cánh tại sân bay Nội Bài được gửi qua tin nhắn Zalo. Ảnh: Cuộc sống an toàn.

Và danh sách này chuẩn xác đến mức những người trong danh sách khi được gọi điện đều xác nhận lịch trình bay không sai một giây.

Ngoài ra, Đức còn rao bán thông tin của khách một cách ngang nhiên như: "Mua của VietJet là 50 triệu/tháng. Tôi chỉ làm VietJet. Các hãng khác cũng có nhưng mà đắt. Một gói thông tin khách hàng của Bamboo Airways và Vietnam Airlines có giá 80 triệu/tháng, nhưng lại không chi tiết như VietJet. Nó không lấy theo mã tầu bay, gửi rất khó vì mình không biết khách đi giờ nào, về giờ nào. Còn VietJet thì cho thông tin chi tiết từng chuyến bay".

Vậy, những thông tin này Đức lấy ở đâu? Ai cung cấp thông tin cho những người như Đức? Đó là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra và rất cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Thực tế, việc lộ thông tin hành khách thế này đã tồn tại từ lâu, nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa được giải quyết và xử lý, gây phiền toái cho rất nhiều hành khách. Trong việc lộ thông tin của khách hàng này, Vietjet sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao? Hãng có thông báo là đang điều tra, vậy đã điều tra đến đâu rồi, đã xác minh được người, phòng/ban nào bán thông tin cho bên thứ 3 hay chưa?

Thiết nghĩ, hãng và cơ quan chức năng sớm thông báo tới người tiêu dùng và đặc biệt là người tố cáo về kế hoạch, chi tiết thời gian cụ thể của việc điều tra này.

Cuối năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam đã vào cuộc kiểm tra về việc để lộ thông tin khách hàng của cả 3 hãng Vietnam Airlines, VietJet Air và Jetstar Pacific. Kết luận thanh tra cho biết nguồn lộ thông tin chính là do nhân viên các hãng và lỗ hổng phần mềm, một phần do đại lý bán vé máy bay.