Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh đã rà soát lại toàn bộ thông tin theo nội dung báo chí đã đưa tin và khẳng định rằng các quy trình triển khai thực hiện dự án tại Sở, các công ty trúng thầu và các đơn vị liên quan đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác lập, trình, thẩm định và phê duyệt các dự án.

so-giao-duc-1626602350.jpg

Thứ nhất, về công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu: 100% và các gói thầu do Sở GDĐT Bắc Ninh là chủ đầu tư đều được thực hiện đấu thầu rộng rãi qua mạng (không tổ chức đấu thầu giấy truyền thống). Đây là phương thức lựa chọn tối ưu nhất hiện nay, đảm bảo công khai minh bạch theo đúng Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành. 

Trong quá trình triển khai thực hiện các bước, với vai trò là chủ đầu tư, chúng tôi nghiêm túc tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu đặc biệt là các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đồng thời tuân thủ theo Luật Cạnh tranh năm 2018 nhằm đảm bảo cạnh tranh, công bằng giữa các nhà thầu.

Thứ hai, nghi vấn nhà thầu “quen” liên tiếp trúng thầu là không chính xác. Đây là các gói thầu thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng nên tất cả HSMT, các quyết định phê duyệt đều được công khai trên mạng đấu thầu quốc gia, mọi nhà thầu đều có quyền được tham gia; Trước thời điểm mở thầu, Chủ đầu tư hay bất cứ các nhà thầu không thể biết có bao nhiêu nhà thầu nào tham gia vào gói thầu.

Việc Đánh giá và lựa chọn nhà thầu đều được các đơn vị tư vấn có chuyên môn, có chứng chỉ hành nghề tham gia đánh giá và thẩm định theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành, đơn vị nào đủ năng lực, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu sẽ được đơn vị tư vấn đánh giá, lập báo cáo, trình chủ đầu tư phê duyệt theo quy định (chúng tôi không quan tâm đơn vị đó có “quen” hay không).

Ngoài ra, pháp luật không cấm các nhà thầu tham dự nhiều gói thầu. Nếu nhà thầu có đầy đủ năng lực theo quy định thì có thể tham gia và hoàn toàn có thể trúng nhiều gói thầu.

Một số thông tin cho rằng quy trình đấu thầu hay giá một số hạng mục thiết bị trong các gói thầu không được minh bạch cũng không chính xác. Dự toán gói thầu khi xây dựng đều được các đơn vị Tư vấn Thẩm định giá thực hiện theo Luật Giá, sau đó được các cơ quan chuyên môn thẩm định (Sở Tài chính, Sở KH&ĐT…), trình UBND tỉnh phê duyệt.

Từng hạng mục trong các gói thầu đều thể hiện chi tiết cấu hình kỹ thuật thiết bị. Đặc biệt các điều khoản hỗ trợ kỹ thuật, thời gian bảo hành, bảo trì và các chế độ sau bán hàng đều yêu cầu cao hơn thông thường do đối tượng sử dụng là giáo viên và học sinh, hiểu biết về sử dụng thiết bị còn hạn chế (Bảo hành đều từ 24 tháng trở lên, có thiết bị lên tới 36 tháng, cam kết hỗ trợ sửa chữa, thay thế linh kiện khi hết bảo hành…), ngoài ra còn chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, chi phí kiểm định, giám định… 

Giá của các hạng mục thiết bị trong giá dự toán là giá trần và đã được tính đầy đủ các yếu tố cấu thành giá nêu trên. Do vậy việc Chủ đầu tư lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhằm mục đích lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực theo quy định và có giá chào thầu thấp nhất.

Một số gói thầu tiết kiệm 0 đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu. Quy định này cho phép thực hiện theo hình thức mua sắm trực tiếp áp dụng cho những gói thầu có tính chất tương tự gói thầu đã thực hiện đấu thầu rộng rãi trước đó (trong thời gian 12 tháng). Các gói thầu mua sắm trực tiếp này áp dụng theo đơn giá trúng thầu (đơn giá ký hợp đồng) của gói thầu trước để làm giá dự toán cho gói thầu tương tự sau này, mục đính nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí tư vấn (tư vấn thẩm định giá, tư vấn lập HSMT, tư vấn thẩm định hồ sơ…), do vậy trên thực tế là đã tiết kiệm được nhiều chi phí không cần thiết so với gói thầu trước đó.

Nguồn: Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh