Tại trang bạn đọc báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh số phát hành ngày 30/3/2020 đăng thông báo với nội dung: “ Tòa án nhân dân quận Bình Tân thông báo đề nghị bị đơn Hồ Sỹ Phong (1997)… đến Tòa án nhân dân quận Bình Tân để giải quyết vụ án tranh chấp tài sản vào ngày 3 và 29/4/2020. Nếu anh Phong không đến, tòa án sẽ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật”. Thông báo ghi vắn tắt: ….(1997) được ngầm hiểu là ông Hồ Sỹ Phong sinh năm 1997. Tuy nhiên tòa án nên ghi rõ: Ông Hồ Sỹ Phong, sinh năm 1997.

Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng, khi công bố bản án, quyết định văn bản của tòa án phải lấy danh nghĩa cơ quan nhà nước và được mọi người chấp hành. Thông báo mà TAND quận Bình Tân vừa nêu nhằm mục đích gì? Lấy lời khai đương sự, thu thập chứng cứ, tổ chức hòa giải ..? Theo giấy triệu tập thì ông Phong phải có mặt tại tòa ngày 03/4/2020 và 29/4/2020, nếu ông Phong không đến tòa án sẽ giải quyết vụ án theo pháp luật.

Luật sư Trần Công Ly Tao.

Giấy triệu tập của TAND quận Bình Tân bộc lộ một số bất cập: Gọi đương sự (bị đơn Hồ Sỹ Phong) là anh hoàn toàn không thích hợp, phải gọi là bị đơn hoặc ông mới chính xác. Thông báo nêu: Nếu ông Phong không đến tòa án sẽ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Đối với trường hợp ông Phong có mặt thì tòa án giải quyết vụ án ra sao? Có được giải quyết theo pháp luật hay giải quyết theo căn cứ nào?

Tòa án chỉ ban hành một thông báo mà đòi hỏi ông Phong phải có mặt hai lần vào hai thời điểm khác nhau: Ngày 03/4/2020 và ngày 29/4/2020. Từ lâu nay chưa thấy trong một giấy triệu tập mà người được triệu tập phải có mặt tại tòa vào hai khoảng thời gian khác nhau! Thông báo của tòa án cũng không xác định bị đơn có mặt một lần (thay vì có mặt vào hai thời điểm khác nhau) thì tòa án sẽ giải quyết vụ án như thế nào? Trường hợp đương sự vắng mặt có lí do chính đáng (bị bệnh bất ngờ, có xác nhận của lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền) thì lúc đó tòa có giải quyết vụ án theo quy định pháp luật?

Nguyên tắc luật định: Hội đồng xét xử (HĐXX) độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án phải thi hành pháp luật đúng đắn, minh bạch, chuẩn mực theo quy định (đương sự của vụ án, trong thông báo này là bị đơn Hồ Sỹ Phong)… Chưa tới ngày mời bị đơn đến tòa làm việc (ngày 03/4/2020) nên làm sao biết kết quả giải quyết vụ án? Nếu buổi làm việc ngày 03/4/2020 đem lại kết quả tốt đẹp thì không cần thiết triệu tập bị đơn đến tòa ngày 29/4/2020 để làm gì?

Thẩm phán thụ lý vụ án không nên đề ra cách thức xử lý vụ án theo nhận thức chủ quan của mình! Cán bộ tiến hành tố tụng cần giải quyết công việc theo quy định pháp luật. Nếu nhận thức có điều “lấn cấn”, không thể vận dụng quy định pháp luật thì xin hướng dẫn của cấp trên hoặc đề nghị cơ quan lập pháp chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống!

Đương sự vắng mặt thì tòa án mới giải quyết vụ việc theo pháp luật. Trường hợp đương sự có mặt hay vắng mặt mà có lý do chính đáng thì tòa án giải quyết bằng cách nào? Nhà nước pháp quyền chính thống pháp luật cần minh bạch, chính xác, không thể “hiểu sao cũng được”!