Huyện đảo Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc) được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Tiếp đến là Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc…

Ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm Quyết định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng thành phố Phú Quốc, đó là Quyết định số 868/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 633/QĐ-TTg “Phê duyệt điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”. Và ngày 30/3/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Quyết định số 486/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030”,...

Trên cơ sở đó, để cụ thể hóa các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như tôi vừa nêu, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều quyết định có nội dung phê duyệt rồi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị An Thới tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc. Cụ thể như: ngày 15/01/2020, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị An Thới tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ 1/2000, với quy mô là 63,54 ha…

Đến ngày 26/10/2021, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2559/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị An Thới tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ 1/2000, quy mô điều chỉnh 98,91ha…

Tiếp đến là ngày 02/12/2021, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2969/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Bãi Khem tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ 1/2000, quy mô 86,09 ha. Ở Khoản 1 Điều 1 về: “Phạm vi ranh giới” nêu rõ: -Phía Đông giáp biển; -Phía Tây giáp rừng phòng hộ và đường Nguyễn Văn Cừ (đường tỉnh 46) -Phía Nam và phía Bắc giáp rừng phòng hộ…

Đã có những Quyết định cụ thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đối với công tác quy hoạch, phát triển Phú Quốc khi xác minh nguồn gốc, cần vận dụng các quy định đúng thời điểm ban hành quyết định hành chính nhưng có một số trường hợp khi tiến hành thu hồi đất của dân lại không vận dụng vào các quyết định có hiệu lực được ban hành ở mỗi thời điểm khác nhau để làm cơ sở xem xét, giải quyết nguồn gốc đất cho người dân, mà chỉ áp dụng theo quyết định… cũ?!

xac-minh-nguon-goc-dat-2-1691597294.jpg
Anh Phan Văn Đ. nói rõ nguồn gốc đất người dân khai hoang có xác nhận của Trưởng ấp.

Cụ thể như trường hợp của anh Phan Văn Đ., Phùng Thanh M. và 16 hộ dân ở tổ 4, khu phố 6, phường An Thới, thành phố Phú Quốc. Là những người dân đầu tiên đến khai hoang ở vùng biển Bãi Khem, lúc đầu chỉ có 03 hộ dân, sau đó thêm được hơn chục hộ dân… Việc người dân khai hoang được sự xác nhận của lãnh đạo ấp 6 (nay là khu phố 6) nay bị xử phạt hành chính, thu hồi đất vì cho rằng bị phát hiện lấn chiếm đất rừng phòng hộ vào ngày 26/5/2020 (?), và căn cứ để xử phạt, thu hồi đất năm 2020 được đưa ra là Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc,…

Anh Phan Văn Đ., cho biết: “Lúc tôi đến Bãi Khem sinh sống thì đã có gần 100 hộ dân sinh sống, chỉ cất nhà đơn sơ, vì sống theo mùa, mùa gió chướng, có bão là phải chạy sâu vào phía rừng, đã được khai hoang trước đó, cất nhà cư ngụ, trồng cây ăn trái,… Hết mùa gió chướng là trở lại vùng biển Bãi Khem đánh bắt hải sản,… Vì vậy, hầu như người dân nào cũng phải có 02 nơi để sống, đó là đất khai hoang từ năm 1978, đất rừng sát vùng biển Bãi Khem, khi ấy còn là ấp 6 phường An Thới. Khi người dân đến khai hoang, lập nghiệp chưa hề nghe chính quyền địa phương đến nói là đất rừng hộ hoặc là nơi có treo biển “Rừng phòng hộ” vì còn đất hoang…”.

xac-minh-nguon-goc-dat-3-1691597295.jpg
Nguồn gốc đất có sự xác nhận của Trưởng ban nhân dân ấp 6.

Đề cập đến khiếu tố, khiếu kiện xảy ra ở Phú Quốc, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng trả lời báo Thanh tra Chính phủ như sau: “Đặc thù của huyện Phú Quốc là chưa hoàn chỉnh lưới địa chính nên việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Nội dung tranh chấp, khiếu nại thậm chí biến thành tố cáo của công dân huyện Phú Quốc đối với diện tích đất khai hoang phải được cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận một cách sòng phẳng, đúng pháp luật. Ngay cả khi Nhà nước có ban hành các quyết định quản lý nhưng thực tế người dân vẫn tiếp tục sử dụng đất với thời điểm trước 15/10/1993, và 1/7/2004 thì khi giải quyết khiếu nại phải xem xét toàn diện để có phương án đúng thẩm quyền, hạn chế tiếp khiếu, tiếp tố.

Ngoài ra, cũng phải tính toán đến vấn đề nếu đất khai hoang đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tiếp đó, phải xác định tính chất của dự án là sử dụng vốn ngân sách với mục tiêu công ích thì UBND huyện Phú Quốc được phép ban hành quyết định thu hồi đất, còn các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, có mục đích kinh doanh biệt thự, sân golf thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người sử dụng đất về giá trị quyền sử dụng đất…”.