Nhằm có biện pháp hữu hiệu đối với diễn biến thực tế, các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ đã ban hành kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuyến QL 54 thuộc phường cái Vồn, thị xã Bình Minh luôn bị ngập khi có triều cường.
VĨNH LONG: Vĩnh Long là một tỉnh thuộc vùng lõi của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm giữa hai nhánh chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu… Thời gian qua, đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt,… Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng như ở phường 1, thành phố Vĩnh Long và phường Thành Phước, phường Cái Vồn- thị xã Bình Minh,… Vĩnh Long tích cực, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và xác định khâu đột phá trong việc thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế trên địa bàn là hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối với các vùng kinh tế, tạo động lực để địa phương phát triển, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó tuyến đường bộ cao tốc nối Vĩnh Long với hai hạt nhân tăng trưởng là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, QL 53, QL 54,… là huyết mạch giao thông quan trọng và sắp tới đây là cầu Mỹ Thuận 2.
Quyết định số 3653/QĐ-UBND của UBND tỉnh Trà Vinh.
TRÀ VINH: Trà Vinh là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa hai sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, có diện tích 2.341 km2, có bờ biển dài 65km,Trà Vinh là 01 trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sạt lở bờ biển củng diễn ra nghiêm trọng, hàng năm vào những ngày trung tuần tháng 9,10, 11 gió Đông Bắc thổi mạnh, sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã làm sạt lở nghiêm trọng những khu vực xung yếu ven biển trên địa bàn các xã ven biển huyện Duyên Hải như: Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Dân Thành đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, đe dọa đến tính mạng của người dân trong vùng,…
Ngày 10/11/2020, ông Nguyễn Trung Hoàng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ký Quyết định số 3653/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Tỉnh Trà Vinh đã huy động nhiều nguồn kinh phí trong và ngoài nước để triển khai các dự án nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng phó biến đối khí hậu, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Tăng cường khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi của cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Hàng năm, tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn đầu tư từ ngân sách cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, các chương trình mục tiêu cụ thể như: trồng rừng, nâng cấp hệ thống đê, phòng chống sạt lở,…
Con kênh nằm trong “Dự án ngọt hóa Gò Công” đợt hạn mặn vừa rồi đã khô cạn, không còn nước.
TIỀN GIANG: Chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang. Nhằm đối phó với tình trạng trên, Tiền Giang đang không ngừng triển khai các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và mùa vụ cây trồng… Hiện tỉnh Tiền Giang có khoảng 178.789ha đất nông nghiệp, sản xuất chủ yếu trái cây, lúa và rau màu. Về sản xuất lúa, tỉnh có 2 vùng trọng điểm: vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung tại các huyện phía Tây; vùng sản xuất lúa thơm, đặc sản được tập trung tại các huyện phía Đông…
Thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”. Trong đó, thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ của 37 xã, 3 phường, 4 thị trấn của 5 huyện, thị phía Đông đến năm 2025 là 26.147ha. Cụ thể, cắt vụ là 23.143ha, chuyển sang trồng cây ăn quả 3.004ha và chuyển vụ 4.128ha. Đến năm 2025, toàn vùng Dự án ngọt hóa Gò Công chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa màu. Riêng huyện Tân Phú Đông không còn sản xuất lúa, toàn bộ diện tích đất lúa chuyển sang trồng cây ăn quả thích nghi và cây màu hoặc luân canh tôm - lúa, lúa - cá…
Một số tuyến đường thành phố Bạc Liêu ngập lụt khi gặp phải triều cường.
BẠC LIÊU: Có vị trí nằm giáp biển, tỉnh Bạc Liêu được đánh giá là một trong những địa phương chịu tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu, nhất là triều cường và xâm nhập mặn. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh, nếu mực nước biển dâng 30cm thì số dân trong tỉnh bị ảnh hưởng về chỗ ở khoảng 553.245 người, chiếm 74,45% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, huyện có dân số bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Hải với 143.774 người (100% dân số)… Trước tình hình đó, tỉnh Bạc Liêu khẩn trương rà soát, bổ sung và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược về ứng phó với BĐKH; Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Một số tuyến đường trung tâm thành phố Cà Mau lênh láng nước khi triều cường kèm theo mưa lớn.
CÀ MAU: Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1332/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Theo đó, Cà Mau đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế… Ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư...góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng tiểu vùng sản xuất, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt.