Vừa qua, Công ty CP Kosy (Kosy Group) đã kỷ niệm 12 năm thành lập. Nhân dịp này, ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kosy đã có những chia sẻ với báo giới về chặng đường 12 năm vừa qua và chiến lược của tập đoàn trong thời gian tới.

mr-nguyen-viet-cuong-1617711195.jpg
Ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch Tập đoàn Kosy (Ảnh: Kosy Group).

Theo đó, sau 12 năm hình thành và phát triển, Kosy từ một doanh nghiệp rất nhỏ đến nay đã đạt được một quy mô nhất định gồm nhiều đơn vị thành viên, hoạt động đa ngành, trong đó bất động sản và năng lượng tái tạo là hai lĩnh vực kinh doanh chính. Công ty đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. 

Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, hiện nay Kosy đang triển khai 5 dự án ở một số tỉnh thành với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Dự kiến cả 5 dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay. 

Cũng trong năm nay, Tập đoàn Kosy sẽ tiếp tục khởi công và triển khai một số dự án bất động sản mới tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên... Đồng thời đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục pháp lý của nhiều dự án ở Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam với mục tiêu mỗi năm tập đoàn khởi công mới một số dự án.

Không thể phủ nhận những phát triển của Kosy sau hơn chục năm trên thương trường. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, bên cạnh những thành công, Kosy cũng để lại không ít “tai tiếng” qua nhiều dự án triển khai.

12 năm với hàng loạt dự án bất động sản ‘tai tiếng’ 

Công ty Cổ phần Kosy (Kosy Group) được thành lập vào tháng 3/2008, với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng, san lấp mặt bằng; xây dựng công trình cấp thoát nước… Đến năm 2011, Kosy Group chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, lấy đó làm lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn để phát triển.

Những dự án lớn mà Kosy đang triển khai có thể kể đến như Kosy Mountain View - Lào Cai (38 ha), Khu đô thị Kosy Sông Công – Thái Nguyên (38,78 ha), Kosy Gia Sàng (14,35 ha), Khu đô thị mới Kosy Bắc Giang (8,47 ha), Kosy Cầu Gồ - Bắc Giang (8,87 ha).

Trong đó, dự án Kosy Mountain View, tên đầy đủ là dự án Khu đô thị mới Tiểu khu đô thị số 17 Lào Cai – Cam Đường; tọa lạc tại phường Bình Minh và phường Bắc Lệnh, TP Lào Cai. Dự án có diện tích là 38 ha với quy mô dân số khoảng 4.176 người, tổng mức đầu tư dự kiến 412 tỷ đồng.

Theo những tài liệu trên báo chí, Dự án Kosy Mountain View không được thông qua Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Việc thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đối với hơn 38 ha đất không có Nghị quyết của HĐND thông qua mà chỉ có Công văn số 246/HĐND-TT ngày 30/10/2014 của thường trực HĐND tỉnh Lào Cai do ông Phó Chủ tịch HĐND Tạ Đình Bảng ký.

Ngoài ra, vì đây là dự án nhà ở thương mại nên việc thu hồi đất cho dự án phải áp dụng điểm c, Khoản 4 Điều 40 Luật Đất đai năm 2013 chứ không thể áp dụng Điều 60 và Điều 62 Luật này. Doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án muốn tạo được quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì phải nhận chuyển nhượng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất trong vùng quy hoạch và phù hợp với kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra việc tổ chức cưỡng chế, ép dân phải giao nộp đất, và tính tiền đền bù theo bảng giá của nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Tại Dự án Khu dân cư mới thị trấn Cầu Gồ (đường Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), Kosy trong vai trò chủ đầu tư cũng đã vướng phải lùm xùm. Cụ thể, ngày 18/2/2020, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật trong đầu tư xây dựng dự án này và phát hiện một số “vấn đề”:

Dù khối lượng thi công hạ tầng kỹ thuật đạt 32,3 tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán nhưng chất lượng lập quy hoạch chi tiết xây dựng hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh 2 lần. Dự án này cũng được chấp thuận khi chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường; nhà đầu tư lựa chọn một số đơn vị tư vấn chất lượng hạn chế, chưa đảm bảo năng lực theo quy định; một số hạng mục thi công chưa đúng theo thiết kế được duyệt; tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng chậm so với chấp thuận đầu tư.

Kết luận số 1935/KL-TTCP ngày 4/12/2020 của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ cũng chỉ rõ, Công ty Kosy còn nợ hơn 13,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất của Dự án Khu dân cư mới thị trấn Cầu Gồ. 

Chưa hết, theo phản ánh trên báo chí, dù còn nợ tiền sử dụng đất, hạ tầng vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện nhưng nhân viên bán hàng của Công ty CP Kosy khẳng định đã bán 100% các lô đất tại đây.

Dự án Khu đô thị Kosy Bắc Giang (phường Xương Giang, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng là một trong những dự án “tai tiếng” của Kosy. Ngày 30/8/2018, Công ty CP Kosy đã bị Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 173/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Công ty CP Kosy 40 triệu đồng vì chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng đã thi công nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Dự án này cũng bị báo chí phản ánh về tình trạng mở bán dù đang thi công hạ tầng kỹ thuật ngổn ngang.

Tại Dự án Khu đô thị Kosy Sông Công (TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), Kosy cũng bị người dân “tố” thu hồi đất với giá thấp, nhưng hỗ trợ tái định cư giá cao “ngất ngưởng”. Dự án còn khiến các cư dân phàn nàn vì thi công quá chậm chạp. Dù được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 từ tháng 3/2011 nhưng đến cuối năm 2020 dự án vẫn chưa hoàn thiện, các hạng mục thi công vẫn dở dang. Việc thi công dự án kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân sống ở khu vực quanh dự án. 

tap-doan-kosy-cua-doanh-nhan-nguyen-viet-cuong-dau-moc-12-nam-va-nhung-du-an-tai-tieng-1617119167.jpg
Dự án Khu đô thị Kosy Sông Công – Thái Nguyên. Ảnh: Lao Động

Cũng tại Thái Nguyên, Dự án Khu đô thị Kosy Gia Sàng (phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) của Kosy cũng bị báo chí phản ánh rao bán rầm rộ, nhận tiền đặt cọc của khách hàng dù chưa được Sở Xây dựng Thái Nguyên cho phép huy động vốn, chưa xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

“Tai tiếng” từ chính lãnh đạo của Kosy

Không chỉ Kosy, bản thân lãnh đạo của tập đoàn này cũng vướng phải không ít “tai tiếng”, nhất là người đứng đầu Kosy Group - ông Nguyễn Việt Cường. 

Ông Nguyễn Việt Cường sinh năm 1976. Năm 1999, ông Cường tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ngành Quản lý đất đai. Năm 2007, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Quốc tế (MBA) tại Griggs University theo chương trình liên kết đào tạo bậc sau đại học với Đại học Quốc gia Hà nội. Năm 2008, Công ty CP Kosy chính thức được thành lập dưới sự điều hành của ông Nguyễn Việt Cường.

Tuy nhiên, ít ai biết được, trước khi trở thành Tổng giám đốc – Chủ tịch Tập đoàn Kosy, ông Cường đã từng chịu bản án 46 tháng tù.

Cụ thể, thời điểm năm 2004 diễn ra phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong đường dây thi thuê, thi kèm vào đại học. Theo bản án, bị cáo Nguyễn Việt Cường (thời điểm đó là Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Sao Việt) đã môi giới bán 1 bằng tốt nghiệp đại học giả do nhóm của Sơn (chủ mưu) "sản xuất". TAND Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Việt Cường phải chịu thêm hình phạt 10 tháng tù treo của bản án hình sự cách đây 02 năm; tổng cộng ông Cường phải thực hiện 46 tháng chấp án. 

Trước đó vào năm 2002, ông Cường từng bị xét xử với Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 Bộ Luật hình sự 1999.

Trong khi đó, theo thông tin trên cổng thông tin của Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình MBA mà ông Cường được cấp bằng có thời gian học 15-16 tháng. Các thí sinh muốn nhập học phải thỏa mãn điều kiện: kinh nghiệm công tác từ 3 năm trở lên và hoàn thành kỳ thi đầu vào (do Đại diện của Đại học Griggs ở Việt Nam tổ chức gồm thi viết trong thời gian 60 phút và phỏng vấn)

Dựa trên các mốc thời gian này, nhiều khả năng ông Cường đã theo học MBA khi vẫn đang chấp hành án tù treo. 

Tại Quyết định 39/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/8/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành “Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo” dù không quy định cấm người thụ án tham gia các khóa học nhưng có quy định về việc buộc thôi học nếu phạm khuyết điểm nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường và xã hội (gồm cả người có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù).

Dựa trên tính chất của hình phạt tù, điều kiện dự tuyển của các cơ sở đào tạo và hình thức kỷ luật với sinh viên, học viên thì người đang chấp hành án phạt tù không có quyền tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, trừ trường hợp ra tù trước thời hạn (Bộ Luật hình sự 1999 không quy định về việc ra tù trước thời hạn nhưng trên thực tế vẫn xét cho ra trước nhưng thường là chấp hành gần hết hạn tù) hoặc đặc xá.

Bởi vậy, dư luận cho rằng quy trình học và cấp bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Griggs của ông Nguyễn Việt Cường nhiều điểm “nghi vấn”, cần được làm rõ. Nhất là sự lên tiếng của người trong cuộc.