Theo Khoản 1 Điều 484 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định những người được bảo vệ như sau: Người tố giác tội phạm; Người làm chứng; Bị hại; Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại. Các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm theo Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 trong đó có quy định rõ: “Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ…”. Như vậy, người tố giác tội phạm thuộc đối tượng được bảo vệ theo quy định và không được tiết lộ thông tin của người tố giác tội phạm vì thuộc diện “bí mật”.
Bên cạnh đó, Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về các hành vi bị cấm bao gồm: Tiết lộ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo… Điểm a Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân cũng quy định: “…Việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật…”.
Năm 2020, theo báo Dân Trí, Hà Nội yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét trách nhiệm đối với ông Lê Xuân Giang- Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban Tiếp công dân quận Bắc Từ Liêm, do ký văn bản làm lộ thông tin của người tố giác, vi phạm Điểm a Khoản 1 Điều 56 Luật Tố tụng hình sự quy định về quyền người tố cáo…
Như thế đã rõ, bí mật thông tin người tố cáo là bí mật nhà nước và theo Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 thì thông tin này được phân loại ở độ “mật”. Do vậy, trong trường hợp thông tin của người tố cáo bị lộ lọt, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người tố cáo thì dù vô ý hay cố ý cũng cần phải xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 337 hoặc khoản 1 Điều 338 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).