Đó là lời khai của hai người đàn ông ở  xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang tại cơ quan công an khi bị phát hiện trồng cần sa trái phép. Hai người này đều trồng cần sa ở trong vườn nhà.

Lực lượng công an phát hiện cây cần sa được trong trong vườn nhà người dân. Ảnh: VTC News 

Cụ thể là: Công an huyện U Minh Thượng phối hợp với Công an xã An Minh Bắc đến kiểm tra vườn nhà của ông Tống Quốc Nam (40 tuổi) thì phát hiện trong vườn có trồng 86 cây cần sa (cao từ khoảng 1,5m, tổng trọng lượng 37kg).

Kiểm tra vườn nhà của ông Trịnh Văn Khang (35 tuổi), lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 73 cây cần sa tươi và gốc khô, ngù khô (hay gọi đọt non phơi khô) với tổng trọng lượng gần 43kg.

Công an huyện U Minh Thượng ra quyết định xử phạt Nam và Khang mỗi người 3,5 triệu đồng và buộc cam kết không tái phạm. Công an tịch thu toàn bộ tang vật để tiêu hủy.

Cả 2 người đàn ông đều khai trồng cần sa để dành cho gia cầm ăn chống bệnh. Chẳng cần biết hai người này khai có đúng hay không nhưng trồng cần sa là vi phạm pháp luật rõ ràng.

Vụ này làm mình nhớ tới vụ một đôi vợ chồng ở buôn Kroa A, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cũng trồng cần sa để cho gà ăn để tăng sức đề kháng. Mà vợ chồng nhà này còn khai không biết đây là cây cần sa (rất khó tin!).

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội trồng cây cần sa như sau:

Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiệncây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.