Yokef (tên miền: yokef.com) là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (BO) mới ra mắt hồi tháng 8/2020 vừa qua. Quyền chọn nhị phân là hình thức dự đoán giá tăng hay giảm của một tài sản cụ thể, trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó có thể kiếm được lợi nhuận với lựa chọn mua hay bán. Theo giới thiệu, đây là cách chơi tương đối dễ với tất cả mọi người, chỉ cần dự đoán giá và chọn mua hay bán mà thôi. Sự đổ bộ của Yokef và các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân khác vào Việt Nam trong thời gian qua đã tạo ra một làn sóng cờ bạc trá hình theo kiểu đa cấp rất đáng lo ngại.
Theo thông tin trên website sandautu.net (một trong nhiều website giới thiệu về Yokef), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân Yokef là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái của sàn tiền ảo Coinhe.io, được vận hành từ năm 2018, công ty chủ quản là CHT Innovative Technology có trụ sở tại Singapore.
Khi tiến hành tham gia, các nhà đầu từ của sàn Yokef sẽ được tặng tài khoản demo miễn phí với 1.000 USD. Sàn có chương trình thưởng/hệ thống đại lý 7 cấp mang lại thu nhập thụ động nhanh, bền vững cho các nhà đầu tư. Lợi tức đầu tư cao lên tới 95% khi giao dịch thành công.
Website này cũng giới thiệu rằng đây là sàn BO “siêu uy tín hàng đầu” với đầy đủ công ty đại diện pháp lý ở Việt Nam và đội ngũ lãnh đạo ra mặt như... Michael Phan và các leader uy tín khác trong giới tài chính Việt Nam. Theo giới thiệu, Michael Phan là Founder của CHT Technology, CEO sàn Coinhe hiện tại Top 1 Việt Nam, Top 50 coinmaketcap, Top 70 coingecko, là Founder của Azdigi - Top 10 công ty cung cấp dịch vụ website tốt nhất Việt Nam, là cựu lãnh đạo cấp cao của Google khu vực Đông Nam Á 2013-2014, từng tham gia nhiều hội thảo tầm vĩ mô quốc gia, đứng cùng sân khấu với nhiều chính khách lớn… Yokef cũng quảng cáo là minh bạch với phần giá lấy từ 6 sàn nổi tiếng nhất thế giới: Binance, Huabi, Bittrex, Coinhe, Coinbase, Okex và phần cân lệnh từ Bitmex.
Cách giao dịch trên sàn Yokef không khác gì so với nhiều sàn BO hiện nay. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Một trưởng nhóm của sàn Yokef cho biết, để tham gia giao dịch trên sàn, nhà đầu tư phải đăng ký tài khoản mới hoặc sử dụng tài khoản của sàn coinhe.io, sau đó nạp các loại tiền ảo như BTC, ETH... hoặc VND từ tài khoản ngân hàng. Sau khi nạp, các loại tiền này sẽ được quy đổi sang USDT để giao dịch trên sàn Yokef.
Cách giao dịch cũng rất đơn giản, nhà đầu tư chỉ cần chọn số tiền giao dịch và tiến hành cá cược: đặt lệnh cao hơn (Xanh) hoặc thấp hơn (Đỏ) theo tỷ giá của BTC/USDT tại thời điểm hiện tại. Nếu dự đoán đúng, nhà đầu tư sẽ được hưởng 95% số tiền đặt cược, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó. Thời gian để nhà đầu tư đưa ra quyết định chỉ có 30 giây. Mức cược tối thiểu là 1$, tối đa là toàn bộ số tiền có trong tài khoản.
Khi mới tham gia, người chơi sẽ được sử dụng tài khoản demo lên tới 1.000 USD để giao dịch thử trước khi tiến hành nạp tiền và cá cược thật. Đáng nói, nếu sử dụng tài khoản demo này thì tỷ lệ thắng rất cao, nhưng khi nạp tiền vào chơi thật thì “phụ thuộc vào độ may rủi của nhà đầu tư”, theo cách nói của trưởng nhóm này.
Các trưởng nhóm (leader)“dụ dỗ” người tham gia bằng hình thức đọc lệnh từ bot trên zoom và các hội nhóm trên mạng xã hội. Ảnh: Báo Pháp Luật Việt Nam
Muốn có tối đa quyền lợi, nhà đầu tư Yokef được khuyên nên bỏ ra 100 USD để mua quyền đại lý để hưởng hoa hồng. Điều này cũng có nghĩa nhà đầu tư chính thức tham gia xây dựng hệ thống mạng lưới bằng cách giới thiệu các thành viên khác mua quyền đại lý giống mình. Mời được nhiều người tham gia và cấp quyền đại lý càng cao thì nhà đầu tư càng nhận được nhiều quyền lợi.
Cụ thể: Khi đủ điều kiện về số F1 đã mua quyền đại lý và điều kiện tổng khối lượng giao dịch thì nhà đầu tư sẽ được lên cấp ngay lập tức mà không cần phải chờ đến hết tuần (khối lượng giao dịch/tuần tính trên khối lượng giao dịch của F1). Nếu người tham gia F0 giới thiệu được 4 F1 mua quyền đại lý, khối lượng giao dịch trong 1 tuần của F1 là hơn 4.000 $ trở lên thì sẽ được lên cấp 3 và được hưởng các quyền lợi như: Hoa hồng quyền đại lý, hưởng 50$ cho mỗi F1 mua quyền đại lý, 25$ cho mỗi F2 mua quyền đại lý, 12,5$ cho mỗi F3 mua quyền đại lý. Đối với hoa hồng giao dịch, F0 sẽ được hưởng 1% trên khối lượng giao dịch của F1, 0,5% trên tổng khối lượng của F2 và 0,25% trên khối lượng giao dịch của F3. Khi trở thành đại lý ở cấp 7, nhà đầu tư sẽ nhận được hoa hồng đại lý và hoa hồng giao dịch tối đa đến 7 tầng.
Chính sách hoa hồng hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư "sa lưới"
Rõ ràng, phương thức trả thưởng này của Yokef có dấu hiệu của mô hình đa cấp, lấy của người sau trả cho người trước! Kinh doanh đa cấp không xấu, nhưng cần nhấn mạnh là Yokef hoàn toàn không có bất cứ sản phẩm nào bán ra thị trường hay bán cho người chơi mà chỉ có những con số ảo được vẽ lên bảng giao dịch. Hình thức thu hút nhà đầu tư của sàn này theo kiểu mạng lưới, phát triển thành nhiều nhánh, nhiều tầng. Hiện Yokef cũng chưa được Bộ Công thương cấp phép theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính Phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Điểm b, Khoản 2, Điều 4 của Nghị định 40/2018NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp quy định rất rõ, sản phẩm nội dung thông tin số là một trong những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tại Khoản 1, Điều 5 của Nghị định này cũng cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được tham gia bán hàng đa cấp.
Hơn nữa, theo các chuyên gia tài chính, loại giao dịch kiểu này giống như chơi đánh bạc, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Với bước lệnh chỉ trong 30 giây, không một nhà đầu tư nào có thể đưa quyết định giá lên hay xuống trong thời gian ngắn như vậy. Trong khi đó, kết quả thắng thua trên những sàn BO đều được cho rằng có thể can thiệp được vào hệ thống giao dịch. Nói cách khác, các kết quả dự đoán này thực chất phụ thuộc vào chủ sàn, chủ sàn hoàn toàn có thể điều chỉnh cán cân thua thắng! Rủi ro cho người chơi khi tham gia sàn giao dịch kiểu Yokef là tất yếu. Khi đã “hút no máu” người chơi, nguy cơ “vỡ sàn” hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc này, các nhóm leader tan rã, người chơi biết tìm ai để đòi?
Buổi lễ ra mắt hoành tráng của Yokef. Ảnh: Internet
Ngày 26/9 vừa qua, Yokef đã tổ chức một buổi lễ ra mắt tại khách sạn Marriott (Hà Nội) và trao giải cho các nhà đầu tư có thành tích cao trên sàn giao dịch. Các phần thưởng cho nhà đầu tư là xe Mercedes, SH, Macbook pro và tiền mặt lên tới 2.000 USD. Kỳ lạ là tại buổi lễ hoành tráng như vậy lại mà không có sự xuất hiện của bất kỳ lãnh đạo Yokef nào.
Như đã biết, Yokef là một sản phẩm được gắn mác quốc tế, tuy nhiên sàn giao dịch này lại đang hỗ trợ nhà đầu tư nạp/rút tiền Việt Nam (VND) thông qua một số ngân hàng. Theo tìm hiểu, chủ tài khoản đứng ra nhận tiền VND tại Yokef là một cá nhân tên Phạm Nam Dương, số tài khoản 1015350710 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và số tài khoản 219708378 tại ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank.
Chủ tài khoản đứng ra nhận tiền VND tại Yokef là một cá nhân tên Phạm Nam Dương. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Khi nạp tiền VND vào tài khoản của cá nhân Phạm Nam Dương như trên, hệ thống của Yokef sẽ hỗ trợ quy đổi tiền để giao dịch thông qua dịch vụ của traodoiusdt.com- trung gian cung cấp dịch vụ quy đổi VND sang đồng USDT để làm phương tiện thanh toán trên sàn giao dịch Yokef.
Vậy liệu Yokef có thật là một sàn giao dịch quốc tế có trụ sở tại Singapore hay chỉ là sàn giao dịch “đa cấp” do người Việt Nam dựng lên? Đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ biết Michael Phan, tức Phan Đình Sơn là một trong những lãnh đạo của Yokef. Người này được giới thiệu là một chuyên gia công nghệ có nhiều thành tựu nổi bật.
Michael Phan, tức Phan Đình Sơn được giới thiệu với một bảng "thành tích" cực khủng trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Trước đó, năm 2018, dư luận cũng một phen dậy sóng về vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng của Ifan, Pincoin. Đây là dự án gắn mác “quốc tế" (Ifan luôn được gắn mác là dự án đến từ Singapore, Pincoin gắn mác ở Dubai) để tạo lòng tin với các nhà đầu tư, chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin và trốn tránh luật pháp Việt Nam nhưng đầu nậu lại là 7 người Việt Nam. Một trong 7 lãnh đạo đó là nhân vật tên Phan Đình Sơn – Đồng sáng lập, chuyên gia công nghệ Blockchain và làm website Ifan. Phan Đình Sơn của Ifan và Phan Đình Sơn của Yokef liệu có phải là một? Rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ câu hỏi này và các vấn đề liên quan đến sàn giao dịch có dấu hiệu núp bóng đa cấp Yokef!