Hàng loạt báo chí đưa tin: Rạng sáng 18/4, video dài 6 phút, quay trọn cảnh Trương Gia Huy (21 tuổi) có hành vi khống chế, giở trò đồi bại với một phụ nữ có biểu hiện tâm thần, lang thang ở TP.HCM, được đăng lên mạng xã hội. Biết mình không thể thoát tội, Huy đến công an đầu thú. 

Trương Gia Huy giở trò đồi bại với người phụ nữ lang thang ở TP.HCM. Ảnh cắt từ clip.

Thế nhưng, điều gây phẫn nộ ở đây không chỉ là hành vi đồi bại của thanh niên này mà còn ở chỗ người quay phim vì sao không kêu lên từ đầu để việc đó không diễn ra mà vẫn đứng quay, mặc cô gái đó bị hại, để lấy được một clip dài up lên mạng?

Lý giải về hành vi của người quay phim, các chuyên gia tâm lý đã nhận định: Những người chứng kiến hành vi xấu nhưng không giúp nạn nhân hoặc ngăn chặn hành động đó được gọi chung là “hiệu ứng người ngoài cuộc” hay “hiệu ứng bàng quan”.

Ừ, ngẫm lại cũng phải. Sự việc tương tự như này đã xảy ra từ lâu, tại nhiều nơi trên thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. “Hiệu ứng người ngoài cuộc” có thể xảy ra ở bất cứ đâu: hiện trường tai nạn giao thông nghiêm trọng, trận ẩu đả sứt đầu mẻ trán, nơi một người tuyệt vọng muốn nhảy lầu tự vẫn…

Nhà văn Susan Sontag từng lập luận rằng mọi người quay lưng lại với sự đau khổ của người khác không phải vì họ vô tâm, mà vì họ cảm thấy bất lực và sợ hãi.

Nhưng nếu ai cũng sợ, ai cũng nghĩ "chắc sẽ có người khác lo" thì quả là một điều đau lòng đối với nạn nhân.

Chi tiết "căn bệnh vô tâm" này được phân tích ở https://zingnews.vn/vi-sao-quay-phim-ke-cuong-buc-phu-nu-lang-thang-ma-khong-can-thiep-post1074966.html cho bạn nào muốn tìm hiểu thêm.

Thiết nghĩ, giữa thời đại công nghệ số, ai cũng dắt theo chiếc điện thoại thông minh bên mình, sẵn sàng ghi lại mọi diễn biến của cuộc sống. Khi chứng kiến hành vi phạm tội, thay vì đứng nhìn làm ngơ, chỉ mất vài giây để gọi báo cảnh sát hoặc cơ quan chức năng.