Theo đó, Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Văn Tự (cụm CNLN Văn Tự) được UBND Thành phố Hà Nội ký quyết định thành lập số 2417/QĐ – UBND cho Liên doanh Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín và Công ty cổ phần giao thông Hồng Hà thuê 1.259,6 m2 đất (giai đoạn II ) đầu tư xây dựng trong thời hạn 50 năm.


Bản đồ quy hoạch phân lô Cụm công nghiệp làng nghề Văn Tự với đầy đủ cây xanh, bể xử lý thải, hệ thống giao thông


Theo phản ánh của một số cựu chiến binh, hiện nay khu cụm công nghiệp này vẫn chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã tự ý cho các tiểu thương vào hoạt động kinh doanh, có dấu hiệu bất chấp quy định của pháp luật. Ông V.V.B bức xúc "Chúng tôi chỉ lo nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, giả dụ, nếu có cháy xảy ra thì chả biết hậu quả sẽ như thế nào, ti vi báo đài nói nhiều về các vụ cháy rồi đấy thôi".

Từ những phản ánh đó, PV Hòa Nhập đã xuống ghi nhận thực tế tại cụm CNLN Văn Tự, cho thấy hạ tầng cơ bản như hệ thống giao thông nội bộ vẫn chưa hoàn thiện, nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống phòng chống cháy nổ, các hạng mục về vệ sinh môi trường của cụm công nghiệp này còn chưa hoàn thiện nhưng lại có rất nhiều tiểu thương đã tổ chức kinh doanh, làm việc trong dự án khu công nghiệp này.
 

Khảo sát cho thấy sự nhếch nhác trong đối với cơ sở hạ tầng tại cụm CNLN Văn Tự

Tiểu thương đang hoạt động rất sôi nổi. Những tấm biển tên xuất hiện của chủ kinh doanh

Vậy ban quản lý dự án đang buông lỏng quản lý để cụm công nghiệp được hoạt động sôi nổi bất chấp quy định của pháp luật thì tránh nhiệm thuộc về cơ qua nào?
Xã nói không, huyện bảo có!

Liên quan đến hoạt động tự doanh kinh doanh của các tiểu thương hiện nay trong cụm CNLN Vân Tảo bất chấp những quy định về môi trường và phòng chống cháy nổ không đảm bảo, chủ tịch UBND xã Văn Tự, ông Trịnh Hùng Sơn cho biết đây là công trình được UBND Thành phố ký quyết định và quản lý, "xã đang lúng túng vì thẩm quyền này ngoài thẩm quyền của xã" . Khi PV thắc mắc về việc giao đất thì thành phố giao nhưng về quản lý hành chính và sai phạm thì địa phương phải nắm và quản lý thì ông Sơn cho biết chưa có quyết định nào giao cho xã quản lý, thẩm quyền của xã quá bé, ngoài ra " xã không nắm một hồ sơ gì ngoài quyết định giao đất"

Liên hệ với UBND huyện Thường Tín, Chánh văn phòng huyện Thường Tín Nguyễn Văn Tản - trả lời rằng "việc giao đất thì thành phố giao, còn quản lý hành chính trên địa bàn là việc của xã, Huyện chỉ nhận được thông báo về việc cho thuê đất, các vấn đề liên quan đến môi trường và phòng cháy chữa cháy thì có các phòng ban chuyên môn quản lý ”.

Khi PV yêu cầu được xem các văn bản mà huyện đã được cấp thì ông Tản lại né tránh và trả lời rằng “ chúng tôi không có văn bản nào cả, những vấn đề đó thuộc của các bên liên quan khác”. Trong văn bản quyết định thành lập của Thành phố có ghi rõ “ UBND: huyện Thường Tín, xã Văn Tự thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất, xây dựng công trình của Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín và Công ty cổ phần giao thông Hồng Hà; kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm theo thầm quyền, báo cáo UBND Thành phố ”.

Tăng cường thanh kiểm tra các cụm công nghiệp

Sáng 30/10/2018, trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay có nhiều loại làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều cụm công nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất và công nghệ lạc hậu.

Trên thực tế, nhiều cụm công nghiệp hiện nay đã chuyển về rất nhiều ngành sản xuất và công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các ngành công nghệ tái chế. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở tại các cụm công nghiệp đều không đáp ứng được về mặt năng lực, chưa có được các trang thiết bị và đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe của người dân, vì người dân sinh sống ở ngay trong cụm công nghiệp.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành bốn nghị định, trong đó quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, nội dung về kiểm soát đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.

Theo Bộ trưởng TNMT, đối với các làng nghề, khu công nghiệp và cụm công nghiệp đều phải chấp hành và tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường. Mỗi đối tượng này đều gắn với trách nhiệm quản lý đầy đủ. Trách nhiệm quản lý cụ thể thuộc về Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, và đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp huyện trong quản lý môi trường, Bộ trưởng TNMT nhấn mạnh.

Bộ trưởng TNMT cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt phải tập trung chấn chỉnh công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ TNMT sẽ tích cực tiến hành công việc thanh tra, kiểm tra, đồng thời phối hợp Bộ NNPTNT trong vấn đề xem xét, đánh giá lại chỉ tiêu thứ 17 (xây dựng NTM) về việc đáp ứng các yêu cầu môi trường đối với các làng nghề cũng như các cụm công nghiệp.

Phải chăng cả UBND xã Văn Tự, huyện Thường Tín đang buông lỏng quản lý hay không tuân thủ Quyết định của pháp luật trong việc giám sát việc đầu tư xây dựng cụm CNLN Văn Tự? Trách nhiệm của chính quyền xã và huyện đến đâu?

Hòa Nhập sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Theo đó, Thông tư yêu cầu bảo vệ môi trường cụm công nghiệp từ khâu lập quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp. Cụ thể, quy hoạch các khu chức năng và loại hình sản xuất trong cụm công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Quy hoạch xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định. Diện tích cây xanh trong phạm vi cụm công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ cụm công nghiệp.

Về bảo vệ môi trường làng nghề, Thông tư quy định phải đáp ứng đủ các kiện như có phương án bảo vệ môi trường làng nghề; các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, thủ tục tương đương; thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng; phân loại chất thải rắn, chuyển cho đơn vị thu gom theo đúng quy định; có hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề, bao gồm hệ thống thu gom nước thải, nước mưa; hệ thống xử lý nước thải tập trung; điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh; khu xử lý chất thải rắn; có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường; phải đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường theo 04 quy định trên để được xem xét, công nhận làng nghề.

Ngoài ra, quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quản lý nước thải, chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ và các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chuyển giao nước thải không nguy hại để xử lý cũng được nêu rõ tại Thông tư.

Đối tượng phải lập phương án bảo vệ môi trường bao gồm: cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ sở đang hoạt động có loại hình, quy mô tương đương đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP; làng nghề.

Đinh Hoàng - Thu Hoài

Nguồn: https://hoanhap.vn/chi-tiet/cum-cong-nghiep-lang-nghe-van-tu--thuong-tin-dang-co-nhieu-bat-cap--chinh-quyen---khong-du-tham-quyen-quan-ly--31996.html