Nghề nào cũng phải được đào tạo, có năng lực chuyên môn, không thể “tay không bắt giặc”? Nước lã làm sao quấy nên hồ? Những phụ tá công lý (luật sư) cần được am hiểu kiến thức chuyên môn pháp luật. Bào chữa viên nhân dân phải có kiến thức luật pháp chứ không chỉ đủ năng lực hành vi dân sự mà thôi!

Trước đây, trong kháng chiến chống ngoại xâm toàn dân phải đóng góp sức người, sức của giành độc lập trong khi nhà nước pháp quyền chưa hoàn chỉnh! Đến khi thống nhất đất nước, chúng ta vừa khôi phục nền kinh tế, vừa xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân… Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 về cải cách tư pháp, thể hiện: Quyết định của bản án phải phản ánh kết quả tranh tụng diễn ra tại phiên tòa, nên tranh tụng phải khách quan, trung thực! 


Luật sư Trần Công Ly Tao (người thứ nhất từ phải sang).

Người bào chữa cần được trang bị kiến thức pháp luật chuyên sâu. Vì vậy: Không thể duy trì định chế chỉ “hữu danh vô thực” không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Thời kháng chiến, Bộ Tư pháp Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhìn nhận: “…Chúng ta chưa nhận thấy một cách sâu sắc tầm quan trọng của quyền tự do bào chữa trong chế độ dân chủ nhân dân của ta nói chung và trong nền tư pháp dân chủ nhân dân của ta nói riêng… ý thức tôn trọng nhà nước của chúng ta còn thiếu sót nhiều”. Bộ Tư pháp kịp thời chấn chỉnh bằng cách thiết lập định chế bào chữa viên nhân dân tạo điều kiện cho bị can có thể nhờ người bào chữa một cách rộng rãi đơn giản về thủ tục và hoàn toàn miễn phí… Nay xã hội đã phát triển, một số chế định trước đây không còn phù hợp cần chấn chỉnh để phù hợp với thực tại.

Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: “…Có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bào chữa cho công dân do bị can đã tự chọn để bênh vực mình phải được ông Chánh án thừa nhận…”. Chế định bào chữa viên nhân dân là chế định đặc thù của một giai đoạn lịch sử nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chưa có tiền lệ trong nghề luật sư trên thế giới. Đã đến lúc nền tư pháp của chúng ta phải phù hợp xu thế tiến bộ, đáp ứng công bằng dân chủ.

Để việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, đương sự của vụ án đem lại hiệu quả thiết thực, tránh thiệt hại đối với người liên quan tới vụ án, người bào chữa, bảo vệ quyền lợi của họ phải có kiến thức pháp luật phù hợp. Người không được đào tạo kiến thức luật pháp, kỹ năng hành nghề không thể hoạt động tố tụng mang danh nghĩa bào chữa viên nhân dân. Mặt khác những năm vừa qua không có bào chữa viên nhân dân được ghi nhận trong hồ sơ vụ án.

Được biết các đoàn thể, cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị đều có tiêu chí. Vậy bào chữa viên nhân dân cũng cần thể chế hóa nếu vẫn tồn tại.