Tóm tắt vụ án
Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, từ năm 2008 đến đầu tháng 11/2009, bà Lê Thị Tường Vân (SN 1978) có quan hệ vay mượn tiền lãi ngày với các bị hại là Nguyễn Thị Phượng Tường (SN 1968), Huỳnh Thị Thúy Vân (SN 1966), Hồ Thị Xuân Dung (SN 1975, cùng trú TP Pleiku).
Từ ngày 2 đến 4/11/2009, bà Vân nói cần nhập lô hàng 20 ô tô về cho Công ty Tuấn Tài, bán trong dịp Tết và đặt vấn đề vay tiền của các bị hại. Ngày 6/11/2009, bà Vân cùng chồng đến nhà 3 bị hại vay tổng cộng 15,25 tỷ đồng, hẹn sau 4 ngày sẽ trả.
Đến hẹn bà Vân không trả tiền nên 3 bị hại làm đơn tố cáo bà Vân lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên cơ quan công an. Sau đó bà Tường Vân mới trả cho ba bị hại 970 triệu đồng.
Cùng thời gian này bà Vân tố cáo Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 1980, trú Pleiku) vay của mình hơn 25 tỷ đồng nhưng tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn. Trong số tiền này có 15 tỷ vay của các bị hại.
Ngày 11/5/2010, Công an tỉnh Gia Lai tạm giam bà Vân để điều tra. Sau nhiều lần hoãn và 2 lần xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt bà Vân lần lượt 15 năm và 19 năm tù.
Tuy nhiên, các bản án sơ thẩm đều bị cấp phúc thẩm là TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đến ngày 12/8/2015, Viện KSND tỉnh Gia Lai ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can. Tuy nhiên, ngày 26/7/2017, Viện KSND tỉnh Gia Lai ra hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, khôi phục điều tra vụ án.
Điều đáng nói, trước khi bị truy tố, vợ chồng bà Vân đã trả một phần tiền cho 3 bị hại và các bị hại đã đồng ý làm biên bản xoá nợ, hiện không còn tranh chấp về mặt dân sự.
Ông Nguyễn Văn Quân có công tâm trong việc xử lý vụ án?
Sau 2 lần Tòa phúc thẩm TANDTC xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại do chưa đủ chứng cứ và sau khi họp Ủy ban Kiểm sát, báo cáo thỉnh thị VKSNDTC, VKSNDTC có Công văn chỉ đạo số 2137/VKSTC-V1 ngày 09/6/2015 chỉ đạo: Chưa có căn cứ vững chắc để truy tố bị can Lê Thị Tường Vân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Quân vẫn chủ trì họp Ủy ban kiểm sát ngày 24/6/2015 để nghe báo cáo lại vụ án. Tại cuộc họp, có nhiều quan điểm khác nhau: Kiểm sát viên đề xuất bị can phạm tội, Trưởng phòng (Đồng chí Lương Văn Kiên, hiện đã nghỉ hưu) đề xuất chưa đủ căn cứ để truy tố, có 2 đồng chí đề xuất bị can phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có 2 đồng chí cho rằng bị can có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng chỉ xác định ở số tài sản đã chuyển nhượng, không có căn cứ để xác định lạm dụng của bị hại nào cụ thể về giá trị tài sản là bao nhiêu.

Do đây là vụ án khó, phức tạp, đã kéo dài hơn 5 năm, bị can đã bị bắt tạm giam 1776 ngày, qua rất nhiều lần điều tra bổ sung và điều tra lại, 04 lần xét xử sơ thẩm và 02 lần xét xử phúc thẩm, bị can liên tục có đơn kêu oan gửi Đảng, Nhà nước,... có cơ quan báo chí đã nêu hình sự hóa dân sự,... thời hạn giải quyết vụ án đã hết, nếu không giải quyết sẽ vi phạm nghiêm trọng Luật tố tụng hình sự, vi phạm quyền công dân, trách nhiệm ngày càng nhiều hơn đối với các cơ quan tố tụng.
VKS đã có 6 cáo trạng và công văn đề nghị Tòa án xét xử để thực hiện quyết tâm đấu tranh phòng và chống tội phạm (khi còn là Phó Viện trưởng, ông Quân đã ký một cáo trạng truy tố và khi làm Viện trưởng, ông Quân cũng đã chỉ đạo Phó Viện trưởng Trần Công Hùng ký một cáo trạng truy tố.
Tuy nhiên, sau 2 lần Tòa án xét xử sơ thẩm tuyên án đều bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà nẵng xét xử hủy toàn bộ án sơ thẩm để yêu cầu điều tra lại, với lý do không đủ chứng cứ. VKS đã trả hồ sơ để điều tra lại nhưng kết quả điều tra lại không có gì mới.
Ngoài ra, VKSND tối cao đã chỉ đạo: Chưa đủ chứng cứ để truy tố, Viện trưởng VKS xét xử phúc thẩm cũng cho rằng không đủ chứng cứ. Tại Hội nghị của ngành của kiểm sát tại tỉnh, đồng chí Bùi Mạnh Cường - Phó Viện trưởng VKSNDTC đã phát biểu chỉ đạo cho rằng vụ án không đủ chứng cứ để truy tố. Đồng thời, Tòa phúc thẩm và VKSNDTC đều đánh giá là chưa đủ căn cứ.
Qua đó, có thể thấy ông Quân đã tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cụ thể, ban đầu đã nhiều lần chỉ đạo đưa vụ án ra truy tố, xét xử.
Dưới góc nhìn pháp lý vụ việc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nêu trên, Luật sư Văn Minh Nam - Công ty Luật Bình Minh (Đoàn Luật sư Lào Cai) cho rằng: "Trong vụ án này, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai đã thực hiện đúng và đủ các quy trình nghiệp vụ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức VKSND, các quy chế của ngành. Tại thời điểm ông Quân chỉ đạo việc ra Quyết định đình chỉ với tư cách Viện trưởng đã tổ chức họp UBKS, kết quả họp có các ý kiến khác nhau nên đã chỉ đạo làm văn bản thỉnh thị VKS cấp trên để xin ý kiến quan điểm giải quyết vụ việc và được phúc đáp là chưa có căn cứ vững chắc để truy tố Vân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai bản án phúc thẩm cũng đều hủy án để điều tra lại vì chưa đủ chứng cứ kết tội.
Đương nhiên việc cân nhắc khi chứng cứ 50/50 là điều rất khó, nhưng trên nguyên tắc suy đoán vô tội, cũng như giả thiết nếu truy tố có tội trong trường hợp này mà về sau tòa tuyên vô tội thì việc khắc phục hậu quả và trách nhiệm còn nặng nề hơn nhiều. Về chủ quan của tội phạm trong vụ án này chưa đủ để chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản của Vân, mà mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội lừa đảo. Mặt khách quan và các chứng cứ vật chất còn nhiều mâu thuẫn tiền hậu bất nhất mà qua nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn không làm rõ được. Trên cơ sở đó theo quan điểm của tôi, thì việc chỉ đạo đình chỉ vụ án của Viện trưởng Quân là đúng quy định của pháp luật."
Theo cá nhân tôi, xem xét toàn diện quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là những mâu thuẫn chưa được giải quyết vì căn cứ duy nhất để chứng minh tội phạm là chứng cứ vững chắc và không để làm oan người vô tội. Mọi ý kiến nêu ra cần được cân nhắc thấu tình, đạt lý.
Đáng chú ý, bà Lê Thị Tường Vân không bỏ trốn và vẫn trả khoản nợ số tiền cho các bà Dung, Tường và Thúy Vân tổng cộng là 970.000.000 đồng; sau khi trả nợ lại tiếp tục ký nhận số nợ chưa thanh toán. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Sơn (là mẹ đẻ của Lê Thị Tường Vân) còn gặp các bà Dung, Tường và Thúy Vân để thỏa thuận việc thanh toán nợ cho Lê Thị Tường Vân nhưng không thống nhất được.