Việc đập máy ATM không phải là hiếm từ trước đến nay, mới đây báo chí lại đăng tải một vụ đập máy ATM "đòi thẻ, đòi tiền" ở TP.HCM.

Máy ATM bị nam thanh niên đập vỡ - Ảnh: Dân trí

Thanh niên có hành động không chấp nhận được này tên là Lê Luân Em (SN 1989, quê Bạc Liêu, tạm trú quận 12). 

Hôm 28/6, sau khi đi nhậu về, Em đến trụ ATM ở phường Hiệp Thành (quận 12) rút tiền nhưng không rút được và trụ ATM không "nhả" lại thẻ. Bực tức, Em về nhà lấy cây búa đến đập bể cửa kính phòng ATM và đập vỡ màn hình máy ATM. Lúc này, công an địa phương tuần tra phát hiện, đưa Em về trụ sở để làm rõ.

Cách đây chừng 1 năm, đầu năm 2019, cũng có vụ việc tương tự nhưng nguyên nhân vụ việc thì không thấy báo chí đề cập tới. 

Theo đó, một thanh niên đi vào trụ ATM đặt ở phía trước cổng bến xe Tiền Giang thuộc địa bàn phường 5, TP.Mỹ Tho để giao dịch rút tiền.

Sau đó bất ngờ thanh niên này dùng vật cứng đập nát màn hình máy ATM rồi bỏ đi. Lúc này hệ thống cảnh báo từ máy ATM truyền về trung tâm nên nhân viên ngân hàng nhanh chóng có mặt tại hiện trường thì màn hình đã vỡ nát.

Hành vi đập phá máy ATM trước đây đã được nhiều luật sư phân tích: Tuỳ thuộc vào giá trị bị hư hỏng của tài sản mà hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo đó, đối tượng vi phạm vừa bị phạt tiền, vừa có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù.

Theo đó, mức phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng và chịu phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Với vi phạm nghiêm trọng và giá trị tài sản rất lớn (trên 500 triệu đồng), khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù.