Liên quan đến việc Vietjet Air bị tố bán thông tin khách hàng này, phía hãng Vietjet cũng đã có phúc đáp gửi tới ông Ngô Nguyên Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - người có đơn tố cáo).

Nội dung trong thư phúc đáp được báo chí đăng tải, theo đó, Vietjet khẳng định không hết tiết lộ thông tin của hành khách tới bên thứ ba nhằm mục đích trục lợi. Hiện, hãng đã báo cáo lên bộ phận liên quan đề nghị kiểm tra hệ thống và có hướng khắc phục. Tuy nhiên, "quá trình điều tra sự việc vẫn đang được xử lý".

Trước chuyến bay chiều 1/7, tin nhắn mời chào dịch vụ xe đưa đón sân bay Nội Bài liên tục gửi vào số điện thoại hành khách của Hãng hàng không VietJet. Ảnh: Cuộc sống an toàn.

Tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật trong việc để lộ hoặc bán thông tin cá nhân của người khác nhằm trục lợi, một số website của các công ty luật uy tín cũng có bài viết về vấn đề này. 

Tại Điều 21, Hiến pháp 2013 ngày 28/11/2013 của Quốc hội quy định: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Do vậy, số điện thoại cũng là một trong những bí mật của cá nhân.

Thông tin về số điện thoại của khách hàng mua vé được bảo vệ theo quy định của Điều 387, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 của Quốc hội: Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp động thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác. Trong trường hợp vi phạm quy định mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Chia sẻ với báo chí, Luật sư Phạm Thị Dần, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh tòa Tòa dân sự - Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: "Theo quy định của pháp luật thì việc một đơn vị dịch vụ mà để lộ thông tin cá nhân của người nào đó mà mình có được cho người khác biết, không được sự đồng ý của cá nhân người có thông tin đó thì việc cung cấp thông tin đó là vi phạm các quy định của pháp luật".

Do đó, theo Điều 65 (hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin người tiêu dùng), Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định; chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Còn tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, nghiêm cấm việc mua bán thông tin cá nhân của người khác với bất kỳ mục đích gì vì vi phạm pháp luật. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30–200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Rất mong hãng hàng không Vietjet Air sớm có kết quả điều tra, công bố rộng rãi và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.