Còn nhớ cách nay gần 15 năm, thời điểm năm 2005-2006, ở TP.HCM nổi lên với nhiều tụ điểm hớt tóc thanh nữ, bar, vũ trường,… hoạt động trái phép, kèm theo đó là các loại hình tệ nạn xã hội khác như: mại dâm, ma túy, băng nhóm xã hội đen đâm chém, cát cứ, bảo kê,… TP.HCM phải đưa vào mục tiêu “3 giảm” là: tội phạm hình sự, mại dâm và ma túy… Thời điểm ấy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết chỉ đạo rất quyết liệt: “Thành phố phải kiên quyết giải quyết dứt điểm tệ nạn ma túy và xóa xong nạn mại dâm... Quận, huyện, phường, xã nào không giải quyết được các tệ nạn trên thì phải xem lại trách nhiệm của mình…”.

Tác giả trong một lần đến thăm nhà Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng.

Tác giả tham gia đoàn công tác Hội Nhà báo TP.HCM vào năm 2007.

Từ năm 2006, tôi được tham gia rất nhiều đợt kiểm tra, xử lý của Đoàn kiểm liên ngành Văn hóa - Xã hội (814) trực thuộc TP.HCM, gồm nhiều đơn vị chuyên trách là: Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an TP.HCM, Sở Tư Pháp, Sở Y tế, Quản lý thị trường,… Ở quận, huyện thì có: Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Phòng Tư Pháp, Phòng Y tế, Phòng Kinh tế,… Bên cạnh ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND phụ trách, việc kiểm tra hoạt động kinh doanh ở địa bàn thường là do Sở Văn hóa - Thông tin (trưởng đoàn) hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn. Ở quận, huyện thường là do Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin làm trưởng đoàn…

Những nơi mà tôi từng được tiếp xúc, như: quận 1, quận 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú,… có không ít vị lãnh đạo, chính Bí thư là người lên phương án kiểm tra, xử lý,… Thậm chí người đứng đầu ở địa phương, còn cho biết: “Cử tri, quần chúng phản ảnh nhiều về hiện tượng karaoke, bar - vũ trường hoạt động trá hình mại dâm, thâu đêm suốt sáng,… kiểm tra thì chỉ ghi nhận được hoạt động quá giờ quy định, hoặc đèn thiếu ánh sáng theo quy định. Người dân đặt nhiều nghi vấn về việc bao che, thiếu trung thực của anh em ở đây. Anh nhờ em đi khảo sát trước, bất kỳ điểm nào, càng nhiều điểm càng tốt, khi đã có thông tin cụ thể, em trao đổi với anh, anh em mình sẽ lên kế hoạch kiểm tra đột xuất…”.

Bài viết về liên ngành 814 TP.HCM chuyển tải trong tập sách Phóng sự xã hội “Đời gái nhảy” xuất bản năm 2006.

Điều bất ngờ chính Bí thư là người đi cùng tôi đến thực tế các điểm mà tôi đề xuất (thường việc này chỉ do Phó Chủ tịch phụ trách, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin hoặc Trưởng Công an), trước khi đi, vị Bí thư đã hóa trang thành một người hoàn toàn khác, anh nói ở địa phương mọi người biết mặt anh, nên sẽ bị động nếu không hóa trang… Vào đến điểm cần kiểm tra ngày thứ 7 cuối tuần, dù đã gần 02 giờ sáng mà khách đông nghẹt, bãi xe không còn khoảng trống… Bên trong là mọi người nhún nhảy, trên bục có 3 cô gái mặc quần áo không khác gì bikini uốn éo theo điệu nhạc, phía dưới là gần trăm “nam thanh nữ tú” mặt mày xốc xếch vì say rượu hưởng ứng hò reo, trên bàn họ toàn là các loại rượu ngoại đắt tiền,… 

Đúng 03 giờ sáng, anh Bí thư vào toilet gọi cho cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý. Anh vừa ra khỏi toilet, mới cụng ly và nói chuyện với tôi vài câu là đèn bật sáng, mọi người bên trong nhốn nháo: “có kiểm tra, có kiểm tra,…”, thế là rượu ngoại, các viên thuốc màu trắng một số thanh niên cầm trên tay nhanh chóng chạy ùa vào toilet hai bên, bục nhảy hiển hiện trước mắt được dọn dẹp sạch,… 10 phút sau, lực lượng kiểm tra gồm: công an, dân quân,… đến. Anh Bí thư nói nhỏ với tôi: “Chính tôi điện thoại chỉ đạo, mà còn bị báo trước, có lẽ anh em không nghĩ tôi đang ở đây…”. Sau đó, nhiều cán bộ lãnh đạo ban ngành, trong đó có cả ngành công an,… bị điều chuyển sang nhiệm vụ khác với lý do không hoàn thành nhiệm vụ Bí thư phân công trước đó.


 Tác giả tiếp nhận thông tin người dân phản ảnh tại cơ quan.

Một lần khác, sau khi kiểm tra, xử lý quán bar - vũ trường ở quận Tân Phú, lo ngại băng nhóm xã hội đen có hành động manh động khi biết tôi tham gia cùng Đoàn kiểm tra liên ngành 814, dù đã gần 05 giờ sáng (vì mỗi lần kiểm tra quán bar - vũ trường mất từ 3 - 5 tiếng, do lực lượng chức năng phải kiểm soát toàn bộ người và hiện vật, test ma túy,…), các đồng chí lãnh đạo địa phương lấy xe chạy theo đưa tôi về đến nhà. Thời điểm đó, việc kiểm tra cà phê đèn mờ, hớt tóc thanh nữ, bar - vũ trường,… là hết sức nhạy cảm, đụng chạm đến “quyền lợi” của rất nhiều người, không loại trừ có bảo kê, chở che, nể nang,… Việc kiểm tra trên tôi đưa vào tập sách “Phóng sự xã hội” do NXB Thanh Hóa phát hành cuối năm 2006…


Ảnh chụp tác giả trong một lần công tác ở Hà Nội.

Những năm gần đây, do tuổi đời hơn 40, không còn nhiều năng động của hơn 10 năm về trước, nên mảng phóng sự xã hội tôi cũng ít viết dần, để cho các cây bút, phóng viên, nhà báo trẻ,… khai thác thì thích hợp hơn. Nhưng không vì thế mà tôi lơ là với nghề báo mà mình đã gắn bó hơn 25 năm qua, thời gian gần đây, tôi đã được tiếp xúc nhiều lãnh đạo là Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp tỉnh, huyện, thị xã và thành phố. Vẫn có nhiều vị lãnh đạo luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, đề xuất hướng giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Bài viết này tôi xin gửi lời cảm ơn đến những vị lãnh đạo các địa phương mà tôi từng đến và công tác, luôn có suy nghĩ và hành động vì mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, lịch sự và hiện đại, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của người làm báo,. Cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân cùng “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.