Tiền Giang sẽ giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân
Hoạt động liên tục của các Chốt- Trạm kiểm soát ở nhiều địa phương trên cả nước, có lẽ ai cũng biết và hiểu rõ sự hi sinh của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 cả ngày lẫn đêm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến thành phố Mỹ Tho, bởi vì ngoài TP.HCM, thành phố Mỹ Tho là địa phương đầu tiên của tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh khu vực ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, rồi áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg trong công tác phòng chống dịch Covid-16, yêu cầu người dân hạn chế ra đường để tầm soát các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.


Khi thành phố Mỹ Tho thực hiện thời gian giãn cách xã hội và áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 16/8-24/8/2021, toàn bộ các chợ, trung tâm thương mại, kể cả tiệm tạp hóa, nhà thuốc tây (tư nhân),… cũng tạm ngưng hoạt động vì người bán lẫn người mua đều lo ngại tập trung đông người, dịch bệnh Covid-19 sẽ lây lan đến bản thân và gia đình,… Hàng loạt vấn đề nan giải về nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân, hộ gia đình, như lương thực thực phẩm, thuốc men,…

UBND thành phố Mỹ Tho ban hành nhiều kế hoạch để đảm đảo hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân từ các địa bàn. Và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung cấp đến tận tay người dân chính là Đoàn viên thanh niên, dân quân, công an,… ở các địa phương. Vì thế, suốt thời gian áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện giãn cách xã hội, “ai ở yên đấy”… hình ảnh các chiến sĩ công an, dân quân, đoàn viên,… mang lương thực thực phẩm đến khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 là dễ dàng bắt gặp.
Và thực tế…

Trưa ngày 29/8/2021, điện thoại tôi kêu “tít tít”, thì ra có tin nhắn, đó là tin nhắn của VNPT tỉnh Tiền Giang thông báo cho biết UBND thành phố Mỹ Tho cung cấp chính thức đầu mối hỗ trợ- hậu cần và y tế cho người dân khu vực phong tỏa, theo đó là số điện thoại di động từng cán bộ phụ trách địa bàn. Có thể nói đây là cách làm thiết thực, kịp thời giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng yêu cầu khi đến khảo sát tại TP.HCM là: “Khi đói gọi ai, khi ốm gọi ai, khi bị tấn công thì gọi ai…?”. Việc UBND thành phố Mỹ Tho liên kết với VNPT tỉnh Tiền Giang để cung cấp số điện thoại cán bộ đầu mối, tiếp nhận và xử lý thông tin người dân gửi gắm là cách làm thật đáng ghi nhận.

Ngày cuối tuần khi tôi đến nhà thuốc Long Châu (ngã 4 Trần Hưng Đạo- Lý Thường Kiệt, thành phố Mỹ Tho) mua thuốc uống đau bao tử là đã thấy 4 người mặc sắc phục công an và dân quân đang đứng xếp hàng giữ khoảng cách theo quy định của ngành y tế, đeo khẩu trang,… Có người cho biết là mua thuốc dùm 7 hộ dân, có người thì mua cho cả Tổ dân phố, có người trên xe chở theo rất nhiều thức ăn, phân ra từng phần riêng, mỗi phần đều có tờ giấy ghi tên, giá cả,… mà người dân nhờ mua cho họ… bởi vì người dân không thể ra đường theo quy định để mua nhu yếu phẩm cho gia đình, trong đó có thuốc tây các loại.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Phó Trưởng ban Thường trực, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, cho biết: “Do tình hình dịch bệnh xảy ra có chiều hướng phức tạp, nên tỉnh rất cân nhắc trong việc áp dụng các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền các cấp phải đảm bảo được nhu cầu thiết yếu của người dân tại địa bàn mình quản lý… Chúng tôi luôn ghi nhận sự đồng thuận của người dân khi cùng chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19”.