Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - một khách hàng của ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã bức xúc phản ánh trên báo chí về cách làm việc của ngân hàng này.
Theo chị Thủy, chị có làm thủ tục vay tiền của ngân hàng Tiên Phong để mua ô tô. Cách đây không lâu, có một nhóm người tự xưng là nhân viên của ngân hàng Tiên Phong đã gọi điện cho chị, yêu cầu chị xuống Hà Nội để làm thủ tục giãn nợ khoản vay vì đã quá hạn 19 ngày. Thực hiện yêu cầu trên, chị Thủy đã lái xe từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội. Tuy nhiên, khi đang một mình lái xe trên phố Hòa Mã (Hà Nội), chị Thủy bất ngờ bị một nhóm người xăm trổ chặn đường. Nhóm này ép chị Thủy bàn giao xe và ký vào giấy có nội dung “tự nguyện giao xe cho Ngân hàng TPBank”.
Do chỉ có một mình và quá hoảng sợ vì bị một nhóm người dọa nạt, chị Thủy đã ký vào biên bản giao xe. Ký xong, chị không nhận được bất cứ giấy tờ gì từ phía những người tự xưng là nhân viên TPBank.
Đến ngày 8/10, chị Thủy đã có đủ tiền để tất toán khoản vay tại ngân hàng, và giải chấp xe ô tô Hyundai Accent BKS 88A-280.00. Tuy nhiên, chị Thủy vẫn không nhận được chiếc xe của mình!
Biên bản giải chấp tài sản của chị Thủy nhưng vẫn không nhận được xe. Ảnh: Thương hiệu và Pháp Luật
Liên quan đến sự việc, đại diện ngân hàng TMCP Tiên Phong cho biết: “Do chị Thủy đang đứng tên 2 khoản vay mua ô tô tại ngân hàng, một khoản đứng tên chị Thủy, một khoản khác chị Thủy đứng tên vay hộ bạn để mua ô tô, ngân hàng đã yêu cầu chị tất toán khoản vay đó và chị Thủy đã tự nguyện ký vào biên bản giao xe cho ngân hàng”.
Khi được hỏi về việc chị Thủy bị ép ký vào biên bản chứ không hề tự nguyện giao xe thì đại diện TPBank không trả lời thẳng vấn đề mà chỉ nói rằng do chị Thủy chưa tất toán khoản vay mua ô tô với ngân hàng.
Về việc chị Thủy đã tất toán khoản vay vào ngày 8/10 mà vẫn không nhận được xe, phía ngân hàng nói rằng: “Chị Thủy còn một khoản vay đứng tên vay hộ người khác vẫn chưa được tất toán nên chưa trả lại chiếc xe đó”.
Vị này cho biết, chị Thủy phải tất toán hết cả 2 khoản vay thì ngân hàng mới có thể trả xe được. Điều này là “theo quy định của ngân hàng”. Hiện tại Ngân hàng vẫn chưa nhận được xe và vẫn không liên hệ được chủ xe mà chị Thủy đứng tên thay.
Như vậy, ngân hàng TPBank kiên quyết không trả xe, cố tình “giam xe” của chị Thủy dù chiếc xe đã được tất toán. Trong khi chiếc xe ô tô chị Thủy đứng tên vay hộ bạn thì ngân hàng lại không thu hồi? Chưa bàn đến “phong cách” thu hồi nợ, “quy định” và cách làm việc của ngân hàng này thật sự “khó hiểu”!
Đáng nói, chị Thủy không phải là khách hàng duy nhất phải bức xúc vì cách làm việc, đặc biệt là cách thu hồi nợ của ngân hàng Tiên Phong. Trước chị Thủy đã có nhiều khách hàng lên tiếng tố ngân hàng này thu hồi nợ theo kiểu “cướp giữa đường”, đẩy khách hàng và công việc kinh doanh vào cảnh khó khăn.
Gần đây nhất là vụ việc của ông Phạm Đình Khang - Giám đốc Công ty CP Vận tải Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Thông tin trên báo chí, ông Khang cho biết, năm 2016, ông có vay tiền của TPBank Chi nhánh Hoàng Mai để mua 1 xe ô tô kinh doanh vận tải khách. Tài sản đảm bảo là 1 xe ô tô hiệu SAMCO BKS 17B-013.53. Từ thời điểm vay mua xe đến hết tháng 2/2020, ông Khang luôn chấp hành trả nợ gốc lãi theo hợp đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động vận tải khách của Công ty gặp nhiều khó khăn nên ngày 10/3/2020, ông Khang đã gửi đơn đề nghị TPBank hỗ trợ giãn nợ. Tuy nhiên, phía ngân hàng không chấp nhận nên ông Khang đã vay người thân chuyển 23 triệu đồng trả nợ cho TPBank theo hợp đồng.
Bất ngờ, khoảng 16h ngày 3/7/2020, tài sản đảm bảo là chiếc xe BKS 17B-013.53 bị nhóm 20 thanh niên như xã hội đen chặn đầu và đuôi xe. Nhóm này nhảy lên xe, đuổi hành khách xuống và chửi bới, dọa dẫm lái xe và phụ xe, ép lái xe ký vào biên bản bàn giao xe do phía TPBank biên soạn sẵn. Tuy không có quyền bàn giao nhưng do bị đe dọa nên lúc đó tài xế đã ký vào biên bản và giao xe.
Cảnh nhân viên Ngân hàng TPBank ép khách hàng xuống xe (ảnh nhỏ) và chiếc xe khách BKS 17B - 013.53 của ông Phạm Đình Khang, Giám đốc Công ty CP Vận tải Hưng Hà. Ảnh: Internet
Sự việc khiến ông Khang vô cùng bức xúc vì từ khi có đơn xin đề nghị hỗ trợ, ông không hề nhận được thông báo nào từ TPBank cho đến khi các nhân viên của ngân hàng này chặn xe, đưa ra 3 thông báo thu hồi tài sản, rồi ép lái xe ký xác nhận bàn giao xe.
Sau sự việc, ông Khang muốn trả toàn bộ số tiền còn nợ ngân hàng mong lấy được xe về, tiếp tục hoạt động chở khách, tuy nhiên TPBank lại không đồng ý và yêu cầu hóa giá chiếc xe này.
Về sự việc này, đại diện TPBank cho biết lý do thu hồi tài sản là vì ông Khang còn nợ 245 triệu đồng, chậm trả nợ kỳ 3 (85 ngày). Việc tiến hành thu hồi tài sản được quy định rõ trong hợp đồng giao kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Về việc chặn xe thu hồi tài sản khi xe đang lưu thông, đại diện TP Bank cho biết, thời điểm thu hồi nợ, ngân hàng có thông báo cho công an phường đề nghị phối hợp. Khi thu hồi tài sản không có công an đi cùng nhưng quá trình này đã được Văn phòng Thừa Phát Lại Thủ đô chứng kiến và lập vi bằng. Đại diện TPBank cũng khẳng định có gửi thông báo cho khách hàng về việc thu hồi nợ.
Tuy nhiên, việc tự ý cưỡng chế tịch thu tài sản, thu giữ tài sản khi người vay không đồng ý, thu giữ tài sản không có mặt của chủ sở hữu, đe dọa dùng vũ lực và ép buộc tài xế ký vào biên bản thu hồi nợ là có dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản! Bộ phận thu hồi nợ của TPBank không biết luật hay “cố tình” không biết những điều này?