Việc nhà báo đảm nhận vai trò của luật sư hoặc ngược lại đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu, cụ thể những năm thập niên 90, có Nhà báo- Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910- 1996), Phó Chủ tịch Nước, quyền Chủ tịch Nước, rồi Chủ tịch Quốc hội (1981- 1987)- là người đồng sáng lập và điều hành hai tờ báo là báo Thống Nhất và báo Giải Phóng.
Mới đây, kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2023), Tạp chí Luật sư Việt Nam đã tổ chức chương trình Tọa đàm Luật sư- Nhà báo với góc nhìn thực tiễn Luật Báo chí 2016 với chủ đề “Sự tương tác giữa Luật sư và báo chí hiện nay”… Qua đó đã minh chứng thêm mối liên hệ mật thiết giữa nghề Luật sư và nghề Báo chí, đó vừa là quan hệ đối tác, cùng phản biện, cùng hướng đến mục tiêu bảo vệ con người, bảo vệ công lý. Và không quá khi cho rằng, Luật sư và Báo chí là người bạn đồng hành vì công lý.
Có thể thấy, Luật sư và Nhà báo là 2 nghề nghiệp hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm của mình. Với vai trò là chiến sĩ trên mặt trận thông tin, Báo chí giúp Luật sư truyền tải quan điểm của mình đến với các độc giả. Báo chí được xem là phương tiện, công cụ, chất xúc tác để Luật sư thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của mình trước khách hàng, người dân, nhà nước và xã hội.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Luật sư và Báo chí được xem là hai trong số những yếu tố quan trọng thúc đẩy, đưa pháp luật đến gần với công chúng hơn. Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 của Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định mối quan hệ giữa Luật sư và các cơ quan thông tin đại chúng như sau: “Luật sư cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các tiêu cực xã hội”.
Theo Điều 26 về Đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo, Luật Báo chí 2016 quy định dành cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên,… Việc phóng viên, nhà báo,… tham dự phiên tòa với tư cách luật sư (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự) hoàn toàn không ảnh hưởng đến công việc, nghề nghiệp hiện tại và khi tham dự phiên toà phải thuộc đối tượng, đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định…
Như thế đã rõ, nhà báo hành nghề luật sư, xuất hiện tại tòa với tư cách luật sư (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự) hoặc luật sư là nhà báo pháp luật đã có những quy định cụ thể, được phép thể hiện vai trò của mình ở tòa, với từng vụ việc cụ thể.