Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định rất rõ như sau:
“Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau: Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai,… thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm…”.

Thời điểm xác lập thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định chi tiết tại điểm b Khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này được quy định như sau: Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm… Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm…”.
Để cụ thể hóa quy định về Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính của Luật xử lý hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/11/2019 cũng quy định về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, như sau: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm”. Về “Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính” được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ: “Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại Khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm…”.
Các trường hợp xử lý vi phạm về đất đai có liên quan đến thu hồi đất, Nhà nước quyết định thu hồi đất của người sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai 2013, cụ thể như sau: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người…
Theo lời anh Nguyễn Việt Thái, sinh năm 1977, ngụ ở TP.HCM, có đất ở khu phố 6, phường An Thới, TP Phú Quốc, nơi đang phát triển khu du lịch sinh thái Bãi Khem, thì người dân địa phương đã có công khai phá, xây dựng và giữ gìn phần đất từng bị bỏ hoang, không ai dòm ngó đến. Vì thế khi tiến hành thu hồi đất của dân thì cũng cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, xử phạt hành chính vi phạm về đất đai, thông báo, thỏa thuận cùng người dân, đúng trình tự thủ tục thu hồi đất…

Anh Phùng Thanh Minh, sinh năm 1992, một người dân sinh sống nhiều năm ở Ấp 6 (cũ), phường An Thới, TP Phú Quốc, nói: “Chủ trương phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền đưa ra, người dân hoàn toàn ủng hộ và rất vui mừng, vì nơi mình từng sống đang được thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, khi tiến hành thu hồi đất của dân, chính quyền nên xem xét kỹ nguồn gốc đất, người dân khai phá, sinh sống 20-30 năm qua, xây dựng nhà cửa kiên cố, đường phố khang trang,…ai cũng biết, được địa phương xác nhận là đất khai khẩn, khi hoang từ những năm thập niên 80 thì cần phải được xem xét, giải quyết theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân…”.