Điều 1 và 2 Luật Thi hành án dân sự nêu rõ thi hành án dân sự là hoạt động của nhiều tổ chức và cá nhân, bao gồm cả cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và Trọng tài thương mại.

Đoàn cưỡng chế thi hành án dân sự.
Bản án có hiệu lực pháp luật là các quyết định của tòa án, bản án sơ thẩm (không có kháng cáo) và bản án phúc thẩm. Nếu người bị thi hành án không chấp hành thì bị xử lý nghiêm bằng các phương thức như cưỡng chế thi hành án, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có). Việc thi hành án dân sự được thực hiện trước hết bằng biện pháp tự nguyện thi hành án và luôn được khuyến khích… Trong trường hợp biện pháp tự nguyện thi hành án không thực hiện được thì phải có sự can thiệp mạnh của Nhà nước để buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án bằng việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp.
Quyết định cưỡng chế được ban hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, liên quan đến các quyền tài sản của cá nhân hoặc tổ chức. Để đảm bảo hiệu quả cưỡng chế thi hành án, pháp luật quy định các trình tự, thủ tục cơ bản để tiến hành cưỡng chế thi hành án là: 1/Ra quyết định cưỡng chế và thông báo về việc cưỡng chế; 2/Xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án dân sự; 3/Lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự; 4/Thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự; 5/Giao bảo quản tài sản đã cưỡng chế; 6/Giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình cưỡng chế thi hành án; 7/Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi cưỡng chế thi hành án… Thực tế biện pháp cưỡng chế thường được áp dụng nhiều là “kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án”.

Với những quy định được nêu cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự, chúng ta có thể hiểu được công tác thi hành án dân sự là thực hiện theo các bản án, quyết định có điều kiện thi hành phải được đưa ra thi hành theo đúng quy định pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, chống đối, kéo dài việc thi hành án.