Tôi bị dụ vào trade hàng hóa phái sinh thế nào?
Bỗng một hôm, mình được anh bạn từ thời đại học rủ rê chơi hàng hóa quốc tế. Thấy bảo loại giao dịch này được cấp phép, cũng dễ chơi và điều kiện duy nhất là có tiền. Anh bạn khoe thành tích là chỉ hơn 1 tháng, tài khoản từ 50 triệu lên đến 125 triệu. Nghe vậy, lòng tham dâng lên và thế là quyết đầu tư để trade hàng hóa phái sinh.
Ngày đầu, với số vốn 60 triệu, sau 2 ngày thắng được 5 triệu. Sau vài lần thắng nhỏ lẻ ở mức vài triệu đồng, mình mừng quá và nghĩ rằng làm ăn ngon thế này thì phải đầu tư thêm. Vậy là đẩy vốn lên 130 triệu rồi 200 triệu và đỉnh điểm là 280 triệu.
Vậy rồi miệt mài mua mua bán bán, quên ăn quên ngủ, suốt ngày cắm mặt vào máy tính để “canh” giá. Sáng ra vội vàng đi làm để đến công sở trước 7 giờ sáng để trade phiên Á, chiều theo phiên Âu, tối đánh phiên Mỹ. Mình bỏ bê cả công việc, vợ con để theo dõi đồ thị do anh Vang Lê cài và phần mềm Vision Commodities. Trước đây, sáng mình đưa con đi học, tối đón về. Từ ngày trade hàng hóa thì không đưa, cũng chẳng đón con được buổi nào. Phải xin lỗi vợ con thôi.
Trang web của Công ty Gia Cát Lợi.
Trade hàng hóa lỗ ra sao?
Dân trong “nghề” gọi việc mua bán hàng hóa phái sinh là trade. Có người tự trade, có người nhờ nhân viên của Gia Cát Lợi trade cho (chắc là có chia phần trăm khi thắng). Mình mới tham gia nên thử tự trade xem sao. Gia Cát Lợi có lập các nhóm trên Zalo và Telegram để thông báo tín hiệu mua, bán nên cũng yên tâm phần nào. Thi thoảng các bạn ấy lại khoe chiến tích lãi từ vài triệu đến vài chục triệu làm những con gà như mình mờ cả mắt. Đúng là tham thì thâm thôi.
Gia Cát Lợi thông báo tín hiệu cho nhà đầu tư qua Zalo.
Có lần nghe tín hiệu của giám đốc Lương Tuấn Vũ mua con cà phê Arabica khi sắp đáo hạn hợp đồng tháng 5/2020 khi cậu này khẳng định chắc chắn khi đáo hạn hợp đồng, giá sẽ xuống đáy và sẽ nhanh lên. Hy vọng nó sẽ lên nhưng không ngờ nó chả thèm lên, cứ xuống hoài, xuống hoài. Rồi một ngày đành cắn răng để bán, lỗ mất gần 50 triệu. Bài học rút ra là phải đặt STP để chặn lỗ. Các STP này các cậu ấy cũng nói nhưng mình không tin lắm và muốn tự trải nghiệm.
Tưởng STP là ngon, đang ôm dầu đậu tương, khô đậu tương với mức lỗ khoảng 10-18 triệu đồng/lot. Sau khi tham khảo thì được khuyên là cắt lỗ đi. Bùi tai, cắt liền, âm mất gần 40 triệu. Thật tệ quá, vừa cắt buổi chiều thì tối giá lại lên. Nếu để lại còn kiếm được vài triệu. Thế là STP cũng vứt.
Vừa rồi, nghe tín hiệu của Gia Cát Lợi trên Telegram, tối ngày 10/6/2020, thấy hô canh mua dầu đậy tương ở giá 28.1, nghe bùi tai, nhập luôn vài lot. Nào ngờ, sau khi lình xình, dậu đậu tụt khủng khiếp và lại phải cắt lỗ ở khoảng giá 27.80, thế là lỗ gần 17 triệu. Trước đó có một cậu thông báo trên nhóm là mua ngô ở thời điểm bắt đầu lên với mức giá 524. Mua xong lên được xíu là bắt đầu giảm, giảm kinh khủng luôn. Vừa rồi phải cắt lỗ mất hơn 30 triệu.
Chơi cái này kiểu như cờ bạc vậy, chả biết đâu mà lần. Đánh thua thì cố gỡ nhưng càng gỡ lại càng thua. Giá cả cứ lên lên xuống xuống, chả thấy phụ thuộc vào quy luật cung cầu gì cả. Giá xuống thì thôi rồi, tức là có thể mất 100% vốn, chứ không phải tăng giảm 5-10% như hàng hóa thực tế trên thị trường.
Lỗ vậy nhưng có dám bảo vợ đâu, chỉ bảo lỗ tý thôi. Vợ biết thì tan cửa nát nhà luôn. Tóm lại, mình ham tiền mà lười lao động nên dính bẫy. Cũng nhiều cụ cũng bị như mình lắm, chuyện mất vài chục triệu đến trăm triệu là chuyện bình thường. Nhiều cụ tỉnh táo rút ngay thì may mắn chứ cố kiếm ăn như mình thì có ngày bán nhà đi. Sức khỏe từ ngày trade hàng hóa phái sinh cũng giảm sút lắm vì tòa thức đến hơn 12 giờ đêm để chốt phiên Mỹ xem thế nào. Sáng dậy sớm từ 5h30 để đi đến chỗ làm trước 7h sáng. Không có ai có tiền mà khổ như tôi.
Lời hay lỗ - Ai lợi, ai thiệt
Sau gần 2 tháng miệt mài trade, tổng kết lại thì lỗ mất 150 triệu trong đó riêng tiền phí giao dịch phải nộp cho sàn Gia Cát Lợi lên đến 80 triệu. Bao nhiêu tiền tích cóp đều đội nón ra đi rất nhanh, rất nhanh. Vậy là ông nào được từ vụ thua lỗ này. Mình chốt lại là:
Thứ nhất, ông sàn giao dịch được tiền thu phí. Cứ hoàn thành một chu trình mua bán hoặc bán mua thì sàn Gia Cát Lợi thu phí 700.000 đồng/lot; số tiền này hình như phải nộp về Sàn Giao dịch hàng hóa Việt Nam 50%. Trade nhiều như mình thì sàn giao dịch ngon quá, cứ lập sàn mà thu phí thôi. Thảo nào, thằng bạn cứ rủ rê thêm người vào để trade, còn hứa hẹn sẽ được trích % giao dịch. Theo cái quy chế lương thưởng của Gia Cát Lợi mà thằng bạn gửi cho mình thì cộng tác viên hay nhân viên của Gia Cát Lợi đều được chia phần trăm. Cứ khách hoàn thành một lot thì cộng tác viên hay nhân viên đều có tiền.
Thứ hai, một ông “cá mập” nằm ở đâu đó được lợi. Giá trị hàng hóa không phải tăng giảm theo thị trường mà theo cách rất riêng. Chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ có thể mất đi 50-70% giá trị (ngoài thị trường thì tăng giảm 10% cũng là khiếp rồi). Bên cạnh đó, tiền nạp vào tài khoản là tiền thật, tiền thua cũng là tiền thật. Họ chuyển cho nhau thế nào thì mình chịu nhưng trade thắng cũng chả thấy ông thuế nào đến hỏi thuế thu nhập. Tiền cứ chuyển vào, rút ra tài khoản rào rào nhưng cũng chả thấy ông nào hỏi thăm. Thị trường này còn mới mẻ nên có lẽ Bộ Tài chính chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Công ty Gia Cát Lợi bị xử lý vi phạm do vi phạm đạo đức kinh doanh.
Giám đốc Gia Cát Lợi có “đánh” thắng không?
Theo dõi ông Lương Tuấn Vũ, giám đốc của Gia Cát Lợi mấy tháng nay thì thấy tài khoản của ông này có ngày bị âm hơn trăm triệu. Ông này còn huy động tiền của hơn bốn chục nhân mạng để lập quỹ, nghe nói quỹ hơn 4 tỷ cơ. Quỹ này hoạt động từ 22/4/2020 đến nay toàn thua.
Giám đốc kinh nghiệm đầy mình còn lỗ thì anh em mình sao thắng được. Tốt nhất là rút sớm, dành tiền và thời gian làm việc khác. Gia đình sẽ ấm êm. Nửa đểm bạn sẽ không phải trằn trọc vì giá hàng hóa phái sinh lên xuống nữa. Sau đợt này, em “cai” luôn Gia Cát Lợi và hàng hóa phái sinh.
Bài sau mình sẽ nói rõ Lương Tuấn Vũ đã làm mất bao nhiêu tiền của nhà đầu tư nhé.