Khang Cốt Đơn do Công ty CP Liên doanh Dược mỹ phẩm Diamond Pháp (địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất. Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Bảo An (địa chỉ tại Tầng 9 toà nhà văn phòng Intracom, Số 33 đường Cầu Diễn, Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là đơn vị phân phối và chịu trách nhiệm về sản phẩm này.
Dù Khang Cốt Đơn chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tuy nhiên có thể thấy thời gian qua rất nhiều website không rõ là cố ý hay “vô tình” đang quảng cáo sản phẩm này giống như thuốc chữa bệnh, khiến người tiêu dùng hiểu lầm. Không những vậy, quảng cáo TPBVSK Khang Cốt Đơn trên các website này còn có dấu hiệu vi phạm các quy định khác về quảng cáo.
Cụ thể, khi search từ khóa “Khang Cốt Đơn” trên mạng Internet có gần chục triệu kết quả trả về, trong đó có một số trang website thông tin rất cụ thể, chi tiết về sản phẩm Khang Cốt Đơn như: https://nhathuoc115.vn/t/khang-cot-don, https://hamara.com.vn/khang-cot-don/, https://www.healcentral.org/khang-cot-don/, https://www.khangcotdon.net/, https://www.khangcotdon.com/,...
Điểm chung của các website này là sử dụng rất nhiều từ ngữ, hình ảnh, video… để giới thiệu về sản phẩm Khang Cốt Đơn, mô tả kỹ càng từng thành phần và công dụng của chúng.
Không khó để bắt gặp các từ ngữ như “hỗ trợ điều trị tận gốc”, “số 1 hiện nay”, “tiêu diệt mầm bệnh”, “giảm đau nhanh chóng”, “giải quyết từ căn nguyên”... Những từ ngữ nêu trên sẽ khiến người tiêu dùng hiểu sai bản chất công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh…
Chưa kể, trên các website này còn tràn ngập những hình ảnh, video bác sĩ và chuyên gia y tế đang “chia sẻ về sản phẩm Khang Cốt Đơn”; hình ảnh và lời cảm ơn của các khách hàng… Tất cả nhằm mục đích tô “tô hồng” cho sản phẩm Khang Cốt Đơn như là một loại “thuốc” chữa bệnh xương khớp “số 1 hiện nay”!
Như vậy, có thể thấy quảng cáo TPBVSK Khang Cốt Đơn trên các website nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật như sau: Quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm để quảng cáo thực phẩm; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; Quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sỹ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm…
Chưa hết, theo quan sát, trên một số website nêu trên còn có dấu hiệu lợi dụng uy tín của Bộ Y tế để quảng cáo sản phẩm Khang Cốt Đơn.
Cụ thể, các trang website này khẳng định “Khang Cốt Đơn là sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và đảm bảo chất lượng”, “Khang Cốt Đơn đã được Bộ Y tế kiểm định chất lượng và cấp giấy chứng nhận dược phẩm đạt chuẩn”. Trong khi, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ là đơn vị xác nhận Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, còn việc đảm bảo chất lượng thì phải trải qua quá trình thanh tra, hậu kiểm rồi mới có thể đưa ra kết luận về chất lượng!
Do vậy, việc các website đưa ra Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm Khang Cốt Đơn và khẳng định các nội dung như trên là thiếu cơ sở và có dấu hiệu mạo danh cơ quan y tế.
Với hàng loạt các dấu hiệu vi phạm nêu trên, kính đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ các quảng cáo vi phạm của TPBVSK Khang Cốt Đơn để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, tránh mua và sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe.
Theo thông tin trên báo chí, thống kê, từ đầu năm 2020 đến tháng 11/2020, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TPBVSK. Tổng số tiền phạt lên tới gần 3 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Quảng cáo công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố; quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo…
Ðáng chú ý, mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên đăng tải thông tin cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với các quảng cáo TPBVSK nhưng các vi phạm vẫn diễn ra. Một "điểm chung" là sau khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng mời đơn vị công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm lên làm việc thì đại diện các đơn vị này đều khẳng định không sở hữu các website chứa nội dung quảng cáo vi phạm và không chịu trách nhiệm về nội dung các quảng cáo vi phạm.
Đáng nói, không ít tổ chức, cá nhân có dấu hiệu “nhờn luật”, vì lợi nhuận mà “cố tình” vi phạm quy định về quảng cáo, chấp nhận bị xử phạt, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng …
Như trường hợp của Khang Cốt Đơn, sản phẩm này đã nhiều lần bị báo chí “vạch mặt” các quảng cáo có dấu hiệu vi phạm, nhưng không hiểu sao các quảng cáo này vẫn “ngang nhiên” tồn tại hết ngày này qua ngày khác. Không biết có bao nhiêu người bệnh đã tin vào những quảng cáo “có cánh”, tin rằng sản phẩm này là “thuốc” mà chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để mua về uống? Và ai sẽ chịu trách nhiệm về sức khỏe của người bệnh?