Đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của diện tích đất 866,6m2, tọa lạc tại địa chỉ 103/3 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ; bà Huỳnh Thị Kim Hoàng (15B/99, Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, TP. Hồ Chí Minh) cùng chồng là Lâm Lê Dũng (148 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP. HCM) thông qua “Hợp đồng đặt cọc” lập ngày 8/12/2020 đồng ý chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất kể trên cho bà Nguyễn Thị Tha (384A/1, khu vực An Bình, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) với tổng số tiền 20,5 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất việc đặt cọc đúng giao kết (4 tỷ đồng/2 đợt), bà Tha còn tiếp tục trả cho bà Hoàng 6 tỷ đồng nữa (gần 1/2 tổng giá trị diện tích đất). Bà Hoàng thừa nhận đã nhận đủ 10 tỷ đồng và tiến hành tách thửa, công chứng xong cho 4 khách hàng của bà Tha nhưng đất thì không giao được vì bị thân nhân của bà Hoàng (những người đồng thừa kế) ngăn cản. Vụ “Tranh chấp di sản thừa kế” trong nội bộ gia đình bà Hoàng từng đưa nhau lên tới tận TAND Tối cao và năm 2013 được TAND quận Ninh Kiều phân xử theo hướng để gia đình tự thương lượng, thỏa thuận…, nhưng đó là trách nhiệm thuộc về bà Huỳnh Thị Kim Hoàng.

anh-01-33-1623816779.jpg
Biên nhận và chứng từ nộp tiền giữa bà Tha và bà Hoàng.

Trở lại việc mua-bán đất giữa bà Tha và bà Hoàng, nhìn vào nội dung 10 điều thỏa thuận của “Hợp đồng đặt cọc” giữa bà Tha và bà Hoàng có thể xem là khá chặt chẽ.

Trong đó, Điều 1 “Tài sản đặt cọc” thỏa thuận về số tiền đặt cọc (4 tỷ đồng/2 đợt, vào các ngày 8/12 và 30/12/2020) và lần thanh toán dứt điểm (16,5 tỷ đồng); Điều 2 “Thời hạn đặt cọc” là 45 ngày kể từ ngày 8/12/2020; Điều 3 “Mục đích đặt cọc” có nội dung: “Bên A (bà Tha) đặt cọc cho bên B (bà Hoàng) để đảm bảo nhận chuyển nhượng toàn bộ căn nhà và quyền sử dụng đất tọa lạc tại 101/3, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Căn cứ theo: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số: CI 764278, số vào sổ giấy chứng nhận CH01055 do UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cấp ngày 16/08/2017; Thửa số: 108, tờ bản đồ s61: 03, diện tích: 866,6m2 (Trong đó có: 725m2 (ODT) + 141,6m2 (CLN), Tổng DTXD: 158,25m2; Tổng DTSD: 158,25m2)”. 

Tuy nhiên, đáng chú ý ở tiết cuối cùng của điều 9 “Điều khoản khác” có nội dung: “Bên B (bà Huỳnh Thị Kim Hoàng) cam kết không có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại và lý do nào để không thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng, đồng thời không yêu cầu bên A phải trả thêm khoản tiền nào hết”(*) – Lời cam kết này rất mạnh mẽ.

Nhưng thực chất bà Hoàng (người con thứ 5) chỉ là người “đứng tên hộ” trên GCNQSDĐ của gia đình gồm 7 chị em, không có quyền định đoạt tất cả. Phải chăng bà Hoàng đã không trung thực khi bàn bạc, thỏa thuận chuyện mua-bán đất với bà Tha?.

Ách tắc và trở ngại trong việc giao đất sau khi đã nhận gần 1/2 số tiền của bà Tha khi ký bán mảnh đất 866,6m2 + căn nhà 158,25m2  thuộc về phía bà Hoàng. Bà Tha đã phân lô số đất rộng 866,6m2 thành 9 nền nhà để chuyển nhượng lại cho người có nhu cầu làm nhà ở, trong đó có cả em ruột bà Hoàng (Huỳnh Văn Khoa) và chính bản thân bà Hoàng cũng đặt cọc (300 triệu đồng) mua lại 1 nền.

195132855-155461823290416-3326416368737513123-n-1623822251.jpg
Người nhà bà Hoàng treo biển thông báo “đất đang tranh chấp – yêu cầu ngưng mọi giao dịch, xây dựng”.

Xảy ra vướng mắc đối với người nhận đất (nền nhà), sau khi chính mình đã ký hồ sơ tách thửa, được cơ quan chức năng chấp thuận, sao bà Hoàng lại nói bà Tha “làm đơn thưa” người nhà mình để nhận đất? Bà Hoàng nghĩ gì khi việc của mình (người bán đất) lại đi “bán cái” cho người mua đất (đã giao dịch trực tiếp với mình)?

Bà Tha không chấp nhận yêu cầu chuyển khoản số tiền còn lại (10,5 tỷ đồng) cho bà Hoàng vì lo ngại sẽ “lún sâu” vào tranh chấp với người nhà của bà Hoàng.

“Ba mong muốn Kim Hoàng và các con thực hiện nguyện vọng của ba là mỗi đứa con đều có một phần đất thổ cư để cất nhà ở do cha mẹ chia cho theo tờ phân chia này” – nội dung cụ Huỳnh Văn Phát ghi rõ thêm (ngày 28/05/1995) trên “tờ phân chia đất thổ cư” do bà Hoàng lập ngày 26/05/1995 dẫn đến Quyết định Giám đốc thẩm số 239/2010/DS-GĐT ngày 25/5/2010 của TAND Tối cao đã “Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 12/2007/DSPT ngày 22-01-2007 của TAND thành phố Cần Thơ và Bản án dân sự sơ thẩm số 318/2006/DSST ngày 28/08/2006 của TAND quận Ninh Kiều về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Thanh (mẹ ruột bà Hoàng) với bị đơn là bà Huỳnh Thị Kim Hoàng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà Huỳnh Thị Nga, Huỳnh Thị Hiền, Huỳnh Thị Bạch Mai, Huỳnh Thị Gương, Huỳnh Thị Điểm, Huỳnh Văn Khoa. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ giải quyết lại theo quy định pháp luật”.

Đừng nghĩ thấy “sổ đỏ” là đã “chín”. Và những ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý mới là điều kiện cần, nhưng chưa phải là đủ cho một giao dịch thành công. Câu chuyện chia sẻ trên như 1 bài học cho người mua nhà đất, cần tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc đất cũng như thực trạng sử dụng hiện tại, tránh “đáo tụng đình”, vướng phải tranh chấp tốn kém thời gian, tiền của.