Theo đó, tỉnh tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển; phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp. 

Quang cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI.

Các địa phương trong tỉnh đã và đang được Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh quan tâm, huy động mọi nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững… Huyện Bình Tân cũng là một trong những địa phương đang từng bước phát triển, với lợi thế trước đây được xem là vùng rốn lũ của huyện Bình Minh cũ (nay là thị xã Bình Minh), ranh giới giáp Đồng Tháp, Cần Thơ,… người dân Bình Tân chủ yếu trồng lúa nước, hoa màu,…

Từ khi tách ra khỏi huyện Bình Minh cũ, theo Nghị định số 125/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bình Minh để thành lập huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Khi ấy, huyện Bình Tân có các xã: Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Lợi, Thành Đông, Thành Trung, Tân Quới, Tân Bình, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược và Tân An Thạnh, với 15.288,63 ha diện tích tự nhiên và 93.758 nhân khẩu…

Đến ngày 10/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 860/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Vĩnh Long. Theo đó: Giải thể xã Thành Đông, địa bàn nhập vào các xã Tân Quới, Thành Lợi, Tân Thành, điều chỉnh địa giới hành chính các xã Tân Quới, Thành Lợi, Tân Thành, Tân Bình, thành lập thị trấn Tân Quới, thị trấn huyện lỵ huyện Bình Tân trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Quới (sau khi điều chỉnh địa giới hành chính). Hiện nay, huyện Bình Tân có 1 thị trấn và 9 xã.

Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thành Lợi ngày nay.

Là người dân sinh trưởng ở địa phương, nhiều lần về xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tôi thật sự cảm kích và ghi nhận cách làm việc linh động, có trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức ở xã Thành Lợi, được công nhận xã loại 1… Do là người từng sinh sống ở địa phương, nên những cán bộ công chức, viên chức nắm sâu sát hoàn cảnh từng địa bàn, thậm chí đến cả từng hộ dân… Gần đây nhất là các ngày 03- 05/10/2020, có mặt ở địa phương, tôi mới biết Ủy ban nhân dân xã Thành Lợi nay đã di chuyển đến xã Thành Đông (cũ), còn trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thành Lợi nay là Ủy ban nhân dân thị trấn Tân Quới…

Xã Thành Lợi (cũ) có tuyến Quốc lộ 54 và giáp ranh thị xã Bình Minh, điều kiện địa lý có nhiều thuận lợi nếu đẩy mạnh phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao, phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng,… Tuy nhiên, ít tai ngờ, từ khi chia tách ranh giới, chuyển trụ sở về xã Thành Đông, xã Thành Lợi đã xuống bậc thành xã loại 2, biên chế, nhân sự giảm đáng kể so với xã loại 1 trước đây, trường học thì chỉ còn trường duy nhất Trường Tiểu học Thành Lợi C, các trường khác, chợ,… đều thuộc thị trấn Tân Quới…

Tính đoạn đường từ nơi tôi ở đến Ủy ban nhân dân xã Thành Lợi ngày nay là 7-8km, trước đây chỉ hơn 01km… Không ít người dân địa phương lắc đầu ngao ngán: “Bây giờ chứng 01 tờ giấy Sơ yếu lý lịch hoặc đơn xin việc, đi về đã mất gần 20km, chưa kể, người dân xã Thành Lợi ở khu vực giáp Chợ Bà, ấp Thành Trí,… muốn đến Ủy ban nhân dân xã phải đi nhờ qua thị trấn Tân Quới, chứ đâu có đường nào dành riêng để đến Ủy ban nhân dân xã…”.

Chợ xã Thành Lợi (là chợ của xã Thành Đông cũ) không còn hoạt động.

Theo lời cán bộ hưu trí ở xã Thành Lợi, họ cho biết rất lạ về cách bố trí địa giới hành chính, cũng như việc bố trí nhân sự,… xã Thành Lợi hiện nay hầu như không còn lãnh đạo chủ chốt nào ở địa phương, trong khi đơn vị hành chính xã cũ là xã Thành Đông đã có nhiều lãnh đạo trong biên chế xã Thành Lợi. Thiết nghĩ để địa phương nắm sâu sát nguyện vọng nhân dân thì cần có những cán bộ lãnh đạo am hiểu tình hình địa phương. Vì thế, ở đơn vị cơ sở như cấp xã, phường, thị trấn,… rất cần những cán bộ am hiểu tình hình địa phương, nhiệt huyết, vì dân.