Tuy nhiên, tại bản án dân sự số 320/2023/DS-PT ngày 5/6/2023 về việc tranh chấp đòi lại tài sản của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xác định chứng cứ giải quyết chưa thật sự thuyết phục...

Vào ngày 11/01/2016, ông Nguyễn Văn Út, sinh năm 1957, địa chỉ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cho bà Nguyễn Thị Thu, sinh năm: 1967, địa chỉ: xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long thuê căn nhà trọ tọa lạc tại ấp Thanh Hưng, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, mục đích để ở và cho thuê trọ. Cuối năm 2016 ông Út tiến hành tu bổ, xây dựng thêm nhà trọ và trực tiếp giao dịch với cửa hàng vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian xây nhà ông Út có việc đột xuất tại Mỹ nên nhờ bà Thu trông coi việc xây nhà hộ, tiền thanh toán vật tư xây dựng ông Út gửi về.

Vào năm 2022, bà Thu có đơn khởi kiện yêu cầu ông Út phải trả lại cho bà số tiền 3.355.291.000 đồng (trừ số tiền ông Út đã đưa trước đó 1.135.500.000 đồng). Bà Thu cho rằng, trong quá trình thi công ông Út không gửi tiền về nên bà phải bán căn hộ do người khác đứng tên giùm bà để trả tiền thi công. Vụ việc trên đã được Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Long thụ lý, giải quyết.

1-1746799224.jpg
Cần xem xét lại tính khách quan của chứng cứ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Căn cứ vào đơn khởi kiện ngày 26/7/2022, đơn khởi kiện sửa đổi bổ sung ngày 20/10/2022 và lời khai của bà Nguyễn Thị Thu tại giai đoạn xét xử sơ thẩm và cấp phúc thẩm, bà Thu khai nhận giá trị tổng cộng chi ra để xây dựng căn nhà là 4.490.791.000 đồng. Chứng cứ là Bản kê tiền trả chi phí vật liệu xây dựng mà bà Thu tự lập và cung cấp thì tổng số tiền là 4.573.591.000 đồng. Còn tại các biên bản lời khai cũng như lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn Út đều xác nhận giá trị xây dựng căn nhà và các vật kiến trúc khác là khoảng 4.200.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định giá trị tài sản là tiền dùng để sử dụng xây dựng căn nhà trên là 4.490.791.000 đồng. Đến giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định tại mục 1.4 trang số 10 bản án ghi nhận: “Căn cứ vào sự thừa nhận của các đương sự, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định tổng chi phí xây dựng căn nhà là 4.200.000.000 đồng, số tiền bà Thu đã nhận của ông Út là 1.135.500.000 đồng”. Tại Biên bản ghi nhận lời khai của bà Thu tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Long Hồ ngày 13/06/2022, thì bà Thu lại khai nhận số tiền tổng chi phí xây dựng căn nhà trên là 4.573.591.000 đồng.

Tại bản án dân sự số 320/2023/DS-PT tuyên: sửa một phần Bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 09/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long buộc ông Nguyễn Văn Út có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Thu số tiền 3.064.500.000 đồng. Không đồng ý với kết quả xét xử phúc thẩm, ông Út đã làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 09/02/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long và Bản án phúc thẩm số 320/2023/DS-PT ngày 05/06/2023 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trong vụ án này, có một điểm bất thường là Biên bản làm việc ngày 23/2/2023, của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Long Hồ thì bà Nguyễn Thị Thanh Trúc (chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thài Bảo) khai nhận: “Vào thời điểm năm 2016, 2017, 2018, bà Nguyễn Thị Thu có đến cửa hàng tôi mua vật liệu xây dựng, số lượng cụ thể bao nhiêu thì tôi không nhớ rõ. Trong số 23 tờ hóa đơn in mà Cơ quan công an đưa cho tôi thì chữ viết trong hóa đơn, số lượng đơn hàng, số tiền đều không phải của tôi, chỉ có chữ ký là chữ ký của tôi. Vào khoảng giữa năm 2022 bà Thu có đến của hàng của tôi xin nhiều tờ hóa đơn trống không có chữ viết (khoảng mười mấy tờ hóa đơn trống) và yêu cầu tôi ký tên thôi, bà Thu nói để bổ sung giấy tờ. Tôi thấy đó là hóa đơn bán lẻ không quan trọng nên tôi đồng ý cho, những tờ hóa đơn này không có ghi thông tin gì ngoài chữ ký của tôi”.

Việc Tòa án căn cứ vào những hóa đơn chỉ có chữ ký của chủ cửa hàng vật liệu xây dựng còn những chữ viết trong hóa đơn, số lượng đơn hàng, số tiền thể hiện trong hóa đơn đều không phải của cửa hàng vật liệu xây dựng thì có đảm bảo được tính khách quan, toàn diện và chính xác của chứng cứ?

Tại phiên tòa phúc thẩm, quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận định: Do 2 bên không thống nhất về giá trị xây dựng của căn nhà, có sự chênh lệch về chi phí trong chứng từ chi phí xây dựng do nguyên đơn cung cấp nhưng chưa được đối chất làm rõ, Tòa án cấp sơ thẩm chưa định giá căn nhà để xác định giá trị làm căn cứ giải quyết vụ án. Ngoài ra, việc đánh giá chứng cứ chưa toàn diện. Vào năm 2019, bà Thu đã ký cam kết với ông Út về việc không còn tranh chấp gì với nhà ở, nhà trọ của ông Út, đã nhận đủ tiền và xin cam kết kể từ nay không tranh chấp hoặc khiếu nại. Nên việc bà Thu cho rằng nhiều lần đòi tiền mà ông Út không trả là do ông Út không có ở Việt Nam là không có căn cứ vì chính bà Thu thừa nhận hàng năm ông Út về 2-3 lần. Việc xây nhà xong từ tháng 10/2019, ông Út có mặt tại Việt Nam nhưng tháng 10/2022 bà Thu mới khởi kiện đòi trả tiền. Bà Thu không chứng minh được nguồn tiền dùng để chi trả việc xây dựng mà Tòa sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai một phía cuả bà Thu để buộc ông Út phải trả 3.355.291.000 đồng là không khách quan và gây thiệt hại đến quyền về tài sản của bị đơn. Do đó, đề nghị hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Thiết nghĩ, bản án cần được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo tính khách quan của vụ án cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.