Mới đây, Văn phòng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch tại TP.Hồ Chí Minh cho biết vừa triển khai Quyết định số 3252/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch ký ngày 04/11/2020 về việc tổ chức “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc năm 2020”… tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau từ ngày 25/11 đến ngày 04/12/2020.
Quyết định số 3252/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch.
Đây là những hoạt động nằm trong kế hoạch công tác năm 2020 của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, với mục đích góp phần phát triển lĩnh vực nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng, giúp tạo sự lan tỏa và gắn kết hoạt động sân khấu cải lương khắp mọi miền đất nước…
Nghệ sĩ cải lương luôn đau đáu hướng về sân khẩu biểu diễn.
Nhắc đến sân khấu cải lương, được xem là một trong ba thể loại ca kịch truyền thống mạnh nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tuy ra đời có chậm hơn so với tuồng, chèo, nhưng đã có tuổi đời gần 100 năm. Từ cái nôi Nam Bộ, bộ môn nghệ thuật đặc sắc mang bản sắc phương Nam nhanh chóng lan tỏa ra cả nước và trở thành một bộ môn nghệ thuật được khán giả ưa chuộng vào bậc nhất trong suốt thế kỷ 20 cho đến ngày nay… Với những vở diễn nổi tiếng như: Chuyện tình Lan và Điệp, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, chuyện tình An Lộc Sơn, Kiếp nào có yêu nhau, Người tình trên chiến trận,… cùng những nghệ sĩ tài năng bên cạnh việc hình thành phong cách cải lương ở hai miền Nam, Bắc.
Nghệ sĩ với những chuyến lưu diễn xa.
Thời cải lương ở giai đoạn hưng thịnh, Cà Mau là địa phương thu hút nhiều nhất các đoàn cải lương nổi danh thời đó về biểu diễn, như: Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, Huỳnh Long cho đến Sài Gòn 1, 2, 3, Trần Hữu Trang, Đoàn Nghệ thuật 2-84, Thanh Minh- Thanh Nga... với nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi là Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên, Tấn Tài, Minh Cảnh, Thanh Tuấn, hài Văn Chung, Kim Quang, Phi Thoàn, Khả Năng, Tùng Lâm, Thanh Hoài, Bảo Quốc, Duy Phương... và Cà Mau cũng cho ra đời Ðoàn Văn công giải phóng Cà Mau (nay là Ðoàn Cải lương Hương Tràm) đã tiếp nối một cách xuất sắc truyền thống cách mạng và nghệ thuật của các bậc tiền nhân. Ðóng góp vào thành tựu chung ấy là những cái tên đã khắc sâu vào lòng người yêu cải lương Cà Mau: NSƯT Minh Ðương, NSƯT Minh Chiến, NSƯT Minh Hoàng… và sau này là NSƯT Lịch Sử, NSƯT Hoa Phượng…
Nghệ sĩ vui mừng bên nhau ngày Giỗ tổ.
Nghệ sĩ Cải lương Thiên Long tâm tình: “Tôi xuất thân từ sân khấu Cải lương, có nhiều lúc tôi muốn buông bỏ vì nó quá nghiệt ngã, có khi sân khấu mở đèn sáng, chuẩn bị diễn, nhìn ra thấy khan giả lưa thưa vài người… Nhưng tôi luôn tin một ngày Cải lương cũng sẽ tìm lại vị trí thật sự trong người hâm mộ, cụ thể như các chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” đều thu hút đông đảo người xem, rồi đến các cuộc thi dành cho sân khấu Cải lương như giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng,…”.
Nghệ sĩ Thiên Long (thứ ba từ trái sang) vui mừng trước tín hiệu lạc quan của nghệ thuật Cải lương.
Việc Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch chọn tỉnh Cà Mau để tổ chức “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc năm 2020” là một tín hiệu lạc quan về sân khấu nghệ thuật Cải lương, hướng đến lớp trẻ,… Hi vọng thời hoàng kim của cải lương sẽ trở lại trong thời gian không xa, là món ăn văn hoá tinh thần đối với người dân ở nông thôn lẫn thành thị.