Hiện nay, trên thị trường lưu hành một số sản phẩm gắn nhãn hiệu NCT3 được quảng cáo là “sữa y tế” với rất nhiều điểm đáng nghi vấn, từ chất lượng cho tới cách thức phân phối các sản phẩm này.
Tràn lan “sữa cỏ” đội lốt “sữa y tế”
Qua tìm hiểu, các sản phẩm “sữa” mang nhãn hiệu NCT3 do Công ty CP đầu tư quốc tế NCT3 (địa chỉ số 18, ngõ 11 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) phân phối. Công ty này được Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 30/9/2009 và thay đổi lần thứ 3 vào 20/9/2018. Người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Khoát. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là “Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình. Chi tiết: Bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh; Bán buôn đồ điện gia dụng, đèn và bộ đèn điện; Bán buôn giường, tủ, bàn ghế và đồ dùng nội thất tương tự; Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình chưa được phân vào đâu; Bán buôn vali, cặp, túi, ví, hàng da và giả da khác”.
Từ nhiều năm nay, NCT3 đã gây dựng được số lượng lớn các đại lý, nhà phân phối các sản phẩm “sữa” mang nhãn hiệu NCT3 ra thị trường.
Các sản phẩm mang nhãn hiệu NTC3 có thể kể đến như: Richmond Boncare pedia, Richmond Boncare colostrum, Richmond Boncare canxi nano MK7, Dumi new baby, Dumi Canxi Nano, Dumi Dream, Dumi Goat, SureMilk Pedia Kids, Suremilk Richmond PRENATAL DHA, SucaMilk… Các sản phẩm này cũng đa dạng cho nhiều đối tượng, từ trẻ em cho tới người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính với mức giá từ vài trăm nghìn tới hơn 1 triệu đồng/hộp.
Theo phản ánh của báo chí, nhiều đại lý bán hàng của NCT3 quảng cáo đây là các sản phẩm “sữa y tế được bác sĩ khuyên dùng”, “sữa bán chạy nhất trang web Bộ Y tế”.
Trong một buổi đào tạo cho đại lý ở TP.HCM, một người đàn ông tên Trần Đức Minh - xưng là Tổng Giám đốc Công ty NCT3 cũng nói về một sản phẩm “sữa” NCT3 như sau: “Thành phần sữa giàu kháng thể, hỗ trợ quá trình điều trị ung thư. Ví dụ 1 người bị ung thư não, tế bào não đang yếu thì nó sẽ làm cho tế bào não khỏe lại...”
Ông Trần Đức Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư quốc tế NCT3 trong buổi đào tạo cho thành viên của công ty tại TPHCM. Ảnh: Lao Động
Trong một bài đăng trên Fanpage “Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Quốc Tế NCT3”, sản phẩm “Richmond Boncare Pedia” được quảng cáo là “sữa cho trẻ từ 1-10 tuổi”. Theo thông tin từ bài viết này, đây là sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sữa nhập khẩu Newzealand và đang được các trường học sử dụng để bổ sung dinh dưỡng cho các em học sinh. Sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1-10 tuổi, có đầy đủ thành phần vitamin, khoáng chất, vi chất, enzyme tiêu hóa…
Bài đăng quảng cáo trên Fanpage “Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Quốc Tế NCT3”
Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, “Richmond Boncare Pedia” và đa số các sản phẩm “Milk”, “sữa y tế” khác của NTC3 không phải là sữa mà chỉ các thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung. Với những sản phẩm này, giới buôn sữa hay gọi là “sữa cỏ”.
Cụ thể, theo Giấy đăng ký tiếp nhận công bố sản phẩm số 19/2019/ĐKSP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế Hòa Bình) cấp ngày 8/7/2019 thì sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường với tên gọi “sữa tiểu đường” Dumin sure thực chất chỉ là sản phẩm dinh dưỡng. Sản phẩm này do Công ty TNHH dược phẩm công nghệ cao Minh Chung, tại thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình sản xuất. Công ty CP đầu tư quốc tế NCT3 là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Văn bản cũng ghi rõ: “Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố”.
Sản phẩm không phải "sữa" là chỉ là "sản phẩm dinh dưỡng". Ảnh: Lao Động
Theo thông tin trên báo chí, một loạt các sản phẩm nhãn hiệu NCT3 khác như Richmond Boncare canxi nano MK7, Dumi new baby, Dumi canxi nano, Dumi Dream, Dumi Goat… cũng đều được công bố là sản phẩm dinh dưỡng nhưng lại đang được lưu hành trên thị trường dưới “vỏ bọc” là những loại sữa. Đáng nói, một số sản phẩm nhãn hiệu NCT3 dù không phải sữa nhưng lại in chữ “Milk” (sữa) rất to ở phần tên sản phẩm. Trong khi đó, những dòng chữ như “thực phẩm dinh dưỡng” hoặc “thực phẩm bổ sung” lại được in rất nhỏ ở các vị trí khó quan sát. Điều này khiến các khách hàng càng dễ nhầm lẫn. Liệu đây có phải là một chiêu “đánh lận con đen”, lừa người tiêu dùng để “hô biến” một sản phẩm dinh dưỡng nào đó thành “sữa” cho trẻ em?
Dòng chữ "sản phẩm dinh dưỡng" được in rất nhỏ trong khi chữ "MILK" lại được in lớn ở tên sản phẩm
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, sản phẩm dinh dưỡng không phải là sữa. Đối với các sản phẩm này, quảng cáo phải đúng như bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp hoặc công bố đối với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Quảng cáo khác nội dung công bố là quảng cáo sai sự thật!
Bán “sữa cỏ” chiết khấu tới 65%: Núp bóng đa cấp?
Không chỉ “nhập nhèm” về sản phẩm, Công ty NCT3 cũng có hình thức kinh doanh khá “lạ lùng”. Theo thông tin từ một tổng đại lý của Công ty NCT3 tại huyện Thanh Trì (TP Hà Nội), mức chiết khấu trực tiếp cho các thành viên trong hệ thống bán hàng của NCT3 lên tới… 45% giá trị sản phẩm
Ví dụ, sản phẩm Richmond Boncare Colostrum 450g đang bán ra thị trường với giá 1.100.000 đồng/hộp thì những người tham gia hệ thống bán hàng chỉ phải nhập với giá 605.000 đồng/hộp, lãi 45% giá trị sản phẩm.
Với sản phẩm Dumi pro, người tham gia hệ thống bán hàng nhập với giá 805.000 đồng/hộp, bán ra thị trường với giá 1.350.000 đồng/hộp, lãi 40,5%.
Với sản phẩm Dumi Goat, nhập với giá 275.000 đồng, bán ra thị trường với giá 499.000 đồng/hộp, hoa hồng cũng lên tới gần 45%.
Nhiều sản phẩm khác của NCT3 cũng có mức chiết khấu cao như vậy. Đáng chú ý, theo tổng đại lý của NCT3, mức chiết khấu có thể lên tới 65%/sản phẩm nếu như các thành viên tham gia hệ thống gia tăng được doanh số bán hàng.
Một tổng đại lý của Công ty NCT3 tại huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Lao Động
Cụ thể, những người tham gia hệ thống bán hàng của Công ty NCT3 có 4 cấp bậc là Đại lý bán lẻ, Đại lý bán buôn, Đại lý cấp 1 và Tổng đại lý.
Nếu tổng doanh số bán hàng trong 4 tháng của cá nhân và đội nhóm đạt 3 triệu đồng, sẽ được lên cấp Đại lý bán lẻ. Doanh số 30 triệu đồng thì lên cấp Đại lý bán buôn. Doanh số 200 triệu đồng lên đại lý cấp 1. Doanh số 500 triệu đồng lên cấp tổng đại lý. Khi đạt các chức danh này, người tham gia có thể nhận được thêm chiết khấu hoa hồng lần lượt từ: 5, 10, 15 và 20% trên giá trị đơn hàng. Cộng với mức chiết khấu trực tiếp trên sản phẩm là 40-45%, với chức danh tổng đại lý, hoa hồng nhận được khi bán được một sản phẩm “sữa” của NCT3 có thể lên tới 65%.
Ngoài ra, theo giới thiệu, các hội viên cấp cao còn có cơ hội nhận được nhận lương, bảo hiểm từ công ty, nếu xây được hệ thống gồm 5 tổng đại lý cấp dưới sẽ lên chức kim cương, được công ty cấp nhà và xe ôtô!
Dữ liệu trên website nội bộ dành cho các thành viên Công ty NCT3 cho thấy, tuyến dưới trực tiếp của tổng đại lý nói trên có 10 người và mỗi người trong số này cũng có nhiều tuyến dưới khác. Chỉ với một tổng đại lý đã phát triển được hệ thống cả trăm người, tổng số tiền đầu tư lên tới 3,3 tỷ đồng. Chỉ trong khoảng 2 năm phát triển, tổng đại lý này nhận được gần 420 triệu đồng tiền hoa hồng gồm: Hoa hồng trực tiếp, hoa hồng chênh lệch cấp đại lý, hoa hồng cộng đồng, hoa hồng đại lý toàn quốc. Đáng nói, trong khi thành viên tuyến trên cao chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng” thì tuyến dưới của tổng đại lý này có trường hợp đầu tư gần 200 triệu đồng nhưng một năm qua mới thu về chưa được 20 triệu đồng!
Một tổng đại lý của NCT3 có 10 tuyến dưới. Các tuyến dưới này lại có nhiều tuyến dưới khác. Ảnh: Lao Động
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thông tin trên báo chí cho biết, mô hình kinh doanh kiểu phân tầng, trả hoa hồng siêu khủng như của Công ty NCT3 có dấu hiệu kinh doanh đa cấp. Đối chiếu theo định nghĩa về kinh doanh đa cấp trong Nghị định 40/2018, mô hình của NCT3 có 2 dấu hiệu, đó là: phân tầng, phân nhánh và những người tuyến trên được hưởng thành quả kinh doanh của những người tuyến dưới.
Vị này phân tích, mô hình kinh doanh truyền thống cũng có thể phân tầng phân nhánh như đại lý, tổng đại lý, nhà phân phối và có mức chiết khấu phần trăm hoa hồng ưu đãi. Tuy nhiên, những người tham gia vào hệ thống của công ty NCT3 này lại được hưởng thành quả của những người tuyến dưới của mình - đó là dấu hiệu nhận biết của mô hình kinh doanh đa cấp!
Đáng nói, hiện tại ở Việt Nam chỉ có 21 công ty được cấp phép kinh doanh theo hình thức đa cấp và Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế NCT3 không có tên trong số này. Nếu không được cấp phép mà vẫn kinh doanh theo phương thức đa cấp thì công ty này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và thuộc thẩm quyền điều tra xử lý của cơ quan công an.
Theo Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt cao nhất tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Không chỉ cung cấp ra thị trường các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng “đội lốt” sữa, NCT3 còn kinh doanh phân phối nhiều mặt hàng khác như bột ăn dặm, dầu gội thảo dược, sữa tắm - gội cho trẻ sơ sinh, sữa cho bà bầu, dung dịch vệ sinh phụ nữ... Điểm chung là các sản phẩm này đều không thể tìm mua được theo cách thông thường ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mà chỉ có thể tìm thấy tại các bài đăng bán hàng online trên mạng xã hội! Với độ “phủ sóng” các sản phẩm trên nhiều lĩnh vực như vậy, chất lượng của những sản phẩm này ra sao?
Một bài đăng quảng cáo các sản phẩm "sữa của NCT3" trên mạng xã hội
Bài học về những công ty kinh doanh sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, lừa đảo người dân vào vòng xoáy kinh doanh đa cấp vẫn còn ám ảnh với chúng ta. Đã có nhiều người vì ham chiết khấu cao mà cầm cố tài sản để có tiền nhập hàng về bán, cuối cùng phải ôm trái đắng. Đã có những người vì cả nể anh em họ hàng tham gia đường dây đa cấp mà mua những sản phẩm có giá thành và chất lượng không tương xứng. Đa cấp không xấu nhưng khi hệ thống kinh doanh này biến tướng thì hệ quả mà những người tham gia phải gánh chịu là không nhỏ. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ hình thức kinh doanh có dấu hiệu đa cấp của NCT3 và chất lượng của những sản phẩm mà công ty này cung cấp ra thị trường!
Theo thông tin trên báo chí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư quốc tế NCT3 là ông Trần Đức Minh. Tìm hiểu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Trần Đức Minh còn là người đại diện pháp luật của 2 doanh nghiệp khác cũng mang tên NCT 3 là “Công ty cổ phần sản xuất thực phẩm công nghệ cao NCT3 Food” và “Kho hàng - Công ty TNHH sản xuất thực phẩm công nghệ cao NCT3 Food”.
Trong đó, “Công ty cổ phần sản xuất thực phẩm công nghệ cao NCT3 Food” có trụ sở chính là thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội; thành lập ngày 12/06/2018; ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu, chi tiết: sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa.
“Công ty Kho hàng - Công ty TNHH sản xuất thực phẩm công nghệ cao NCT3 Food” có trụ sở chính ở ô T64, Lô G1, Khu 31ha, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, Việt Nam; ngày thành lập 08/11/2018; ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm, chi tiết: bán buôn thực phẩm chức năng, bán buôn sữa và các sản phẩm từ sữa.
Ngoài ra, còn 1 doanh nghiệp khác có tên NCT3 là “Công ty cổ phần đầu tư quốc tế NCT3 - Kho hàng hóa”. Công ty này có trụ sở chính là số 237 đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội; thành lập ngày 22/5/2020; đại diện pháp luật là Hoàng Văn Giang; ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn đồ dùng khác cho gia đình, chi tiết: bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh, đồ điện gia dụng, đèn và bộ đèn điện, giường, tủ, bàn ghế và đồ dùng nội thất tương tự, đồ dùng khác cho gia đình chưa được phân vào đâu, buôn vali, cặp, túi, ví, hàng da và giả da khác.